Diện tích giảm, năng suất bình quân tăng
Vụ Xuân 2024, toàn thành phố đã gieo cấy được hơn 80.300 ha lúa, cao hơn gần 1% so với kế hoạch đề ra. Con số này giảm khá nhiều so với 102.000 ha lúa đã được gieo cấy vào vụ Xuân 2023.
Theo Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, dự kiến, diện tích gieo cấy lúa trong cả năm 2024 trên địa bàn thành phố vào khoảng 150.000 ha, tương đương cả năm 2023 và giảm khoảng 2,2% so với năm 2022 (158.500 ha).
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng cho biết, mặc dù diện tích gieo cấy lúa giảm trong những năm gần đây, tuy nhiên năng suất lúa bình quân trên một đơn vị diện tích canh tác lại có xu hướng tăng.
“Bình quân cả năm 2023, năng suất lúa đạt 60,49 tạ/ha, tăng 0,68% so với năm 2022 (60,08 tạ/ha). Tổng sản lượng lúa đạt khoảng 940.000 tấn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về lương thực cho người dân Thủ đô…” - bà Lưu Thị Hằng thông tin thêm.
Không chỉ duy trì sản lượng đảm bảo an ninh lương thực, chất lượng lúa gạo của Hà Nội đang ngày một cao hơn. Những năm gần đây, diện tích canh tác các giống lúa chất lượng cao của Hà Nội chiếm 65 - 70% tổng diện tích toàn vụ. Hàng loạt giống lúa mới tiến bộ như J02, TBR225, HT1, Thiên Ưu 8, Bắc Thơm số 7… đang được người nông dân sử dụng ngày một phổ biến hơn.
Sớm cho ra đời giống lúa đặc trưng
Trong xu hướng đô thị hoá, Hà Nội tiếp tục chủ trương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng; gắn với sử dụng tiết kiệm và hiệu quả quỹ đất nông nghiệp hiện có.
Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội cho biết, diện tích canh tác lúa trên địa bàn thành phố tập trung tại 17 huyện, thị xã. Diện tích gieo trồng hàng năm có xu hướng giảm. Nếu như năm 2016, diện tích này là 197.000ha thì đến nay chỉ còn lại khoảng 150.000ha. Dự kiến diện tích gieo trồng lúa của Hà Nội sẽ tiếp tục giảm, đến năm 2025, còn khoảng 140.000ha.
Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, trong định hướng phát triển, ngành nông nghiệp xác định tập trung phát triển lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng cao, gắn với thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong gieo cấy, thu hoạch, sơ chế và chế biến để nâng cao giá trị cho ngành hàng lúa gạo.
Bên cạnh sử dụng giống lúa chất lượng cao và cơ giới hoá đồng bộ, nông dân nhiều địa phương đã bước đầu biết ứng dụng công nghệ cao vào canh tác. Điển hình là sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật. Diện tích ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa tại Hà Nội đến nay là hơn 1.000 ha.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, nâng cao chất lượng lúa gạo là vấn đề lãnh đạo thành phố hết sức trăn trở. Hà Nội rất mong muốn có thể nghiên cứu và phát triển một bộ giống lúa gạo chất lượng cao mang nhãn hiệu đặc trưng của Thủ đô.
Sản phẩm sẽ có đặc điểm nổi bật là thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu vi chất và vi lượng có lợi cho sức khỏe. Đặc biệt là có khả năng cải thiện một số bệnh phổ biến như tim mạch, tiểu đường và một số bệnh lý khác.
Được biết, hiện Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đang phối hợp chặt chẽ với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam triển khai những bước nghiên cứu đầu tiên. Điều này được xem là có ý nghĩa rất lớn, không chỉ ở khía cạnh an ninh lương thực, mà còn với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô./.
NT (Theo Báo KT & ĐT)