Chi phí sản xuất tăng
Sau 6 lần tăng liên tiếp, giá xăng đang tiến sát mốc 27.000 đồng/lít và ghi nhận mức cao nhất từ trước tới nay. Trong "cơn bão" giá xăng, các làng nghề, Hợp tác xã (HTX) lại càng thêm nặng gánh chi phí.
Ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) cho biết, trung bình mỗi ngày HTX cung cấp ra thị trường khoảng 40 - 50 tấn rau các loại. Trong số đó, khoảng 70% sản lượng được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị và chợ đầu mối trên địa bàn TP, số còn lại tiêu thụ tại các tỉnh lân cận.
Đặc biệt, HTX vẫn đang duy trì xuất khẩu từ 300 - 500 tấn/năm một số loại rau như cải thảo, bắp cải, súp lơ sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Từ ngày xăng dầu tăng giá đã khiến chi phí giao hàng, vận chuyển hàng hóa của HTX tăng 20% so với trước. HTX đã cố gắng linh hoạt trong vận hành, ghép đơn nhằm giảm tối đa chi phí đầu vào, tuy nhiên lợi nhuận hàng ngày vẫn bị thâm hụt do giá xăng dầu tăng.
Dịch Covid-19 khiến doanh số bán hàng của HTX chế biến sữa bò Phù Đổng (huyện Gia Lâm) giảm 30%. Thời điểm này, HTX đang nỗ lực phục hồi, tuy nhiên quá trình phục hồi đang gặp khó khăn do tác động từ giá xăng dầu. Theo Giám đốc HTX Chế biến sữa bò Phù Đổng Trần Ngọc Thơi, chi phí xăng dầu của HTX chủ yếu là việc giao hàng hóa. Hiện HTX đang có 3 xe tải và bán tải chuyên để giao hàng. Trung bình, mỗi tháng HTX chi phí hết khoảng 20 triệu tiền xăng dầu. Nhưng với giá xăng dầu hiện nay đã tăng lên thành 30 triệu đồng.
Cũng chịu tác động lớn từ giá xăng dầu, Công ty CP thực phẩm Minh Dương (xã Minh Khai, huyện Hoài Đức) đang lao đao vì chi phí vận chuyển hàng hóa. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP thực phẩm Minh Dương Duy Ngọc Linh chia sẻ, hiện hoạt động sản xuất và kinh doanh của công ty đang rất khó khăn, bởi giá nguyên liệu, vật tư đã tăng 25%. Trung bình mỗi tháng chi phí vận chuyển hàng hóa của Công ty khoảng 400 triệu đồng, nhưng với giá xăng tăng cao như hiện nay, các đơn vị vận chuyển đang yêu cầu tăng giá thêm 15%.
Áp lực tăng giá hàng hóa, giảm sức cạnh tranh
Sau khó khăn của dịch bệnh, các DN, HTX đang căng mình ổn định sản xuất. Dù xác định phải linh hoạt theo kinh tế thị trường, song sự biến động của giá vật tư nông nghiệp và nhiên liệu, buộc những DN, HTX đang phải “liệu cơm gắp mắm” để tiếp tục tồn tại và cố gắng phục hồi sau đại dịch. Việc giá xăng dầu liên tục tăng phi mã, nhiều DN thừa nhận đang chịu sức ép tăng giá rất lớn. Bài toán tăng giá sản phẩm cũng được nhiều DN nghĩ tới trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng cao như hiện nay.
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Minh Dương Duy Ngọc Linh chia sẻ, trước tình hình khó khăn hiện nay Công ty đang xem xét lại chế độ làm việc, đàm phán lại nhà cung ứng về việc tăng giá sản phẩm để bù đắp một phần vào chi phí vận chuyển. Bên cạnh đó sẽ phải cân đối để tăng giá sản phẩm để bù lại vào chi phí tăng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, nếu DN tăng giá bán sản phẩm sẽ làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường, đồng nghĩa với việc có thể sẽ mất các đối tác lâu năm. Do đó, các DN sản xuất phải nỗ lực, tái cấu trúc hoạt động để giảm được chi phí thấp nhất. Đối với các hoạt động vận tải phải tính toán khoa học để sử dụng được cả hai chiều.
Thêm vào đó, cần thảo luận lại với đối tác để ký kết lại các hợp đồng khi giá xăng dầu đang tăng rất cao. Các DN, đối tác cũng cần nêu cao tinh thần giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau. Nhà nước nên hỗ trợ việc giảm các loại chi phí khác cho các DN, đặc biệt là các DN kinh doanh vận tải. Đối với các khoản thuế môi trường và thuế khác sẽ rất khó giảm được, nhưng có thể xem xét giảm chi phí khác trong vận tải như kiểm định, chi phí khi xe lăn bánh trên đường hoặc có thể hỗ trợ chi phí về cầu đường đối với hoạt động vận tải.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương) ít nhất trong tháng 3/2022, giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng và giữ ở mức cao, sau đó giảm nhưng không xuống quá thấp do giá xăng, dầu thế giới sẽ dần ổn định. Còn ở trong nước, sự cố ở nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sẽ sớm được giải quyết, hoạt động sản xuất sẽ phục hồi 100% công suất, nên áp lực tăng giá sẽ giảm xuống./.
NB (Theo Báo KTĐT)