Với sản lượng khổng lồ hàng năm đạt trên 30 ngàn tấn, việc quản lý, chỉ đạo sản xuất, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm ở đây là vô cùng quan trọng. Xác định được vấn đề đó HTX Văn Đức đã phối hợp chặt chẽ cùng với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, cán bộ Chi cục BVTV, lập 30 tổ nhóm trưởng PGS để hướng dẫn dân hàng ngày trên đồng ruộng về quy trình rau an toàn, VietGAP.
Qua đó giảm thiểu tối đa việc sử dụng thuốc BVTV để dùng biện pháp bẫy bả, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh. Sản phẩm làm ra tạo được lòng tin bán dễ hơn, giá cao hơn từ 15 đến 20%, môi trường sản xuất và môi trường sống được cải thiện. Kết quả, toàn bộ trên 220 ha rau của xã đều được cấp giấy chứng nhận rau an toàn và rau VietGAP.
Để đảm bảo việc sản xuất, tiêu thụ được ổn định, Văn Đức đã chủ động liên kết với một số hệ thống siêu thị như Aeon, Metro, các công ty đưa vào bếp ăn tập thể. Cùng với đó tổ chức các buổi tham quan cho khách hàng để họ biết được về quy trình sản xuất của nông dân, từ sổ ghi chép nhật ký đồng ruộng đến hoạt động của các tổ nhóm PGS.
Trong quá trình liên kết Văn Đức chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất về diện tích, chủng loại, đảm bảo đa dạng hóa cũng như sản lượng, chất lượng. Cả hai bên đều phải có trách nhiệm giám sát từ khi gieo trồng, chăm sóc đến lúc thu hoạch. Qua giám sát lấy mẫu rau đi phân tích đều đảm bảo đúng chất lượng.
Tuy nhiên để giàng buộc trách nhiệm, về phía siêu thị, công ty phải có hợp đồng cam kết trách nhiệm thu mua hết sản phẩm đã ký, giá cả ổn định, nếu không bao tiêu hết phải bồi thường theo thỏa thuận. Ngược lại HTX và nông dân cũng phải chịu trách nhiệm với siêu thị và công ty phải đảm bảo chủng loại theo mùa vụ, chất lượng, sản lượng, nếu để xảy ra mất an toàn thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cả về tài chính lẫn pháp luật. Qua việc phối hợp và liên kết trên, nông dân thêm yên tâm sản xuất, hàng năm sản phẩm cung cấp cho các hệ thống từ 2000 đến 3000 tấn rau các loại.
Để đẩy mạnh thương hiệu rau an toàn, VietGAP xã Văn Đức chủ động tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố Hà Nội. Năm 2019 địa phương đã có 7 sản phẩm rau của hội viên nông dân, thành viên HTX tham gia OCOP gồm: cải bắp, cải thảo, súp lơ xanh, súp lơ trắng, mướp đắng, đậu cove, cải ngọt, được thành phố xếp hạng đều đạt tiêu chuẩn 4 sao. Năm 2020, HTX tiếp tực tham gia mỗi làng một sản phẩm OCOP với 10 sản phẩm, qua chấm điểm phân hạng đã có 5 sản phẩm 4 sao và 5 sản phẩm 3 sao. Ngoài chinh phục thị trường nội địa, Văn Đức còn bắt đầu xuất khẩu sang thị trường quốc tế như Đài Loan và Hàn Quốc, mỗi năm từ 500 đến 700 tấn sản phẩm với giá trị tăng thêm được từ 20%.
Tuy nhiên, địa phương vẫn còn gặp một số khó khăn do công tác quản lý thị trường còn hạn chế nên việc rau an toàn, không an toàn vị lẫn lộn làm người tiêu dùng khó phân biệt. Thêm vào đó, việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp lợi nhuận thấp nhưng rủi do nhiều nên ít doanh nghiệp dám mạnh dạn đầu tư.
Để phát triển nông nghiệp một cách bền vững, nên chăng cần có quản lý chặt chẽ đối với nông sản về xuất xứ; Cần hỗ trợ tem truy xuất, bao, túi, dây buộc rau cho người dân cả hình thức bán buôn và bán lẻ; Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư liên kết tham ra vào sản xuất bao tiêu sản phẩm; Hỗ trợ giao đất, cho thuê theo giá quy định của nhà nước để các HTX đầu tư xây trụ sở, khu sơ chế rau, nhà lạnh bảo quản, sản xuất áp dụng công nghệ cao; Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như kênh mương, đường điện, đường giao thông nội đồng các loại... /.
Theo nongnghiep.vn