Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xã miền núi Khánh Thượng (Ba Vì): Nỗ lực vượt qua dịch bệnh Covid-19 xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới

Thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã miền núi Khánh Thượng, huyện Ba Vì đang tập trung lực lượng vừa tích cực phòng chống dịch Covid-19 có hiệu quả, vừa phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Đến nay, xã Khánh Thượng đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới.



Là xã miền núi phía Tây của huyện Ba Vì, xã Khánh Thượng cách trung tâm huyện gần 40km, có diện tích tự nhiên 2.884ha, dân số 2.016 hộ, 8.524 nhân khẩu, với gần 50% dân số là đồng bào dân tộc ít người, hơn 80% dân số sống bằng nghề nông nghiệp. Những năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của tình hình kinh tế, xã hội trong nước và khu vực, tình hình thiên tai, dịch bệnh kéo dài song Đảng bộ chính quyền và Nhân dân các dân tộc xã Khánh Thượng đã phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân, đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, giành được nhiều kết quả tích cực.

 “Xác định công tác tuyên truyền phải đi trước một bước, do đó xã Khánh Thượng đã đẩy mạnh, đa dạng hóa hình thức thông tin tuyên truyền, đặc biệt xã luôn quan tâm, chú trọng, phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng Nông thôn mới”. Từ đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn xã phấn khởi, nỗ lực phấn đấu thi đua lao động sản xuất, góp công góp sức làm thay đổi bộ mặt quê hương ngày càng giàu đẹp. Sự đồng lòng của nhân dân là một yếu tố quan trọng làm nên nền tảng cho sự phát triển về kinh tế - xã hội trong chương trình xây dựng Nông thôn mới của địa phương”. Đồng chí Nguyễn Hữu Thịnh, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Thượng phấn khởi chia sẻ.

Khi tư tưởng đã thông, xã Khánh Thượng triển khai công tác huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Đến thời điểm này, xã đã huy động được gần 210 tỷ đồng; trong đó, ngân sách thành phố hơn 173 tỷ đồng, huyện trên 19 tỷ đồng, các Quận của thành phố Hà Nội đã hỗ trợ trên 17 tỷ đồng. Đặc biệt, ủng hộ chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương, người dân ở đây đã hiến hàng trăm mét vuông đất và hàng nghìn ngày công lao động để mở rộng thêm nhiều đoạn đường, tuyến kênh, nhà văn hóa...

Với nguồn lực trên, xã miền núi Khánh Thượng đã bê tông hóa 100% đường liên xã, liên thôn, cứng hóa các tuyến đường ngõ xóm đảm bảo sạch sẽ, không lầy lội vào mùa mưa, thuận tiện trong đi lại của nhân dân;  có 30,74 km kênh mương đã được cứng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; đầu tư, mở rộng, xây dựng Trường tiểu học Khánh Thượng để đạt chuẩn Quốc gia về cơ sở vật chất. Trên địa bàn xã có 12 thôn đều có nhà văn hóa. Các nhà văn hoá đều có hội trường được trang bị đầy đủ bàn ghế, loa đài, có sân thể thao có thể chơi được các môn thể thao đơn giản, tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ cho nhân dân mọi lứa tuổi.

Ngoài xây dựng cơ sở hạ tầng, xã miền núi Khánh Thượng tổ chức nhiều khóa đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp... Thông qua đó, Khánh Thượng đã vượt qua tiêu chí khó nhất trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong 5 năm qua, tình hình kinh tế, xã hội của xã Khánh Thượng đã có bước phát triển tốt, tốc độ phát triển kinh tế hằng năm duy trì ở mức 20%. Tính đến hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 50,24 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế địa phương có bước chuyển dịch tích cực, một số mô hình kinh tế trang trại, trồng trọt, chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế cao. Nhóm ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ thương mại trong 5 năm qua đã đạt tỷ trọng 72% tổng thu nhập. Đời sống kinh tế của người dân ngày càng được nâng cao, trong 5 năm qua, mỗi năm xã Khánh Thượng giảm được bình quân 95 hộ nghèo, hiện nay toàn xã chỉ còn 38 hộ nghèo, chiếm 1,88 %.

“Được quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng, nguồn vốn sản xuất là động lực để đồng bào xã miền núi Khánh Thượng vươn lên phát triển toàn diện các mặt đời sống. Đến với xã miền núi Khánh Thượng hôm nay, điều dễ dàng nhận thấy là sự thay đổi căn bản trong nếp nghĩ, cách làm của đồng bào nơi đây. Người dân đã dần xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, thay vào đó họ đã biết tận dụng lợi thế tiềm năng sẵn có để phát triển sản xuất, chăn nuôi và làm dịch vụ. Tôi và người dân trong xã rất hài lòng về những kết quả do chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại”. Ông Nguyễn Đăng Vận- người dân thôn Khánh Chúc Bãi- xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì vui vẻ chia sẻ.

 Về tiến trình xây dựng Nông thôn mới, hiện nay xã Khánh Thượng đã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí với tổng số 97,5 điểm. Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới huyện Ba Vì, xã Khánh Thượng đang tập trung lực lượng vừa tích cực phòng chống dịch Covid-19 có hiệu quả, vừa phát triển sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân. Hiện, Khánh Thượng đang trình UBND thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới”, Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng Hoàng Văn Chìu thông tin.

Thời gian tới, xã miền núi Khánh Thượng tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất nhằm duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, tăng thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân.

Trúc Như (Trung tâm Văn hóa thông tin và thể thao huyện Ba Vì)