Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xã Hòa Phú, huyện ứng Hòa chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn lá hại lúa xuân

Hiện diện tích lúa xuân trên địa bàn thành phố đang sinh trưởng, phát triển tốt, lúa trà sớm đang làm đòng, trà trung đẻ nhánh rộ-đứng cái, trà muộn đẻ nhánh.



Tuy nhiên, do thời gian vừa qua, thời tiết có mưa, sương mù, độ ẩm không khí cao nên tại một số địa phương bệnh đạo ôn trên lá đã phát sinh, gây hại cục bộ trên một số giống lúa. Chi cục bảo vệ thực vật Hà Nội đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo các trạm, hợp tác xã nông nghiệp thường xuyên nắm bắt tình hình và chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn trên lúa kịp thời.

Vụ Xuân 2018, thực hiện sự chỉ đạo của huyện, xã Hòa Phú, huyện Ứng Hòa đã xây dựng mô hình cấy 100% giống lúa J02 với diện tích cấy toàn xã là 346ha. Giống lúa J02 là giống lúa thuần, có nguồn gốc từ Nhật Bản, được Viện Di truyền nông nghiệp nhập nội và tuyển chọn. Đây là một trong 10 bộ giống có chất lượng tốt nhất hiện nay và được nhiều địa phương sản xuất thâm canh. Giống lúa này có nhiều ưu điểm nổi trội như cứng cây, đẻ nhánh khỏe, chống đổ tốt, chịu rét, chịu thâm canh, bộ lá xanh đậm, khỏe, góc lá đồng hẹp, ngay cả khi đến ngày thu hoạch bộ lá vẫn giữ được màu xanh đặc trưng. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những giống lúa chất lượng cao bị nhiễm bệnh đạo ôn tại huyện Ứng Hòa. Ông Lê Quang Hiển – Phó giám đốc HTX Nông nghiệp Hòa Phú cho biết: Do cấy diện tích lớn giống lúa J02 nên Hợp tác xã nông nghiệp Hòa Phú đã cử cán bộ thường xuyên kiểm tra đồng để nắm bắt tình hình sâu bệnh hại kịp thời nhằm chủ động phòng chống bệnh đạo ôn không để bệnh lây lan gây hại diện rộng.

Vụ Xuân 2018, toàn huyện Ứng Hòa cấy 9.100 ha lúa xuân, trong đó cơ cấu giống lúa chất lượng cao là 40%, gồm các giống như J02, Nàng xuân, Bắc thơm số 7, T10, Nếp các loại…  Hiện lúa sinh trưởng, phát triển tốt và đang trong giai đoạn làm đòng. Tuy nhiên, qua kết quả thăm đồng, điều tra của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, Trạm bảo vệ thực vật huyện Ứng Hòa, bệnh đạo ôn lá đã phát sinh, gây hại trên các giống J02, BC15, Nếp thơm 9603, Nếp 415,…, tỷ lệ phổ biến từ 0,1-0,3%, cục bộ 5-10%, số lá cấp bệnh phổ biến ở cấp 1 đến cấp 3, tập trung tại các xã: Hòa Nam, Hồng Quang, Liên Bạt, Phù Lưu, Hòa Phú,…với 1.429ha lúa nhiễm bệnh đạo ôn lá. Theo ông Vương Đăng Dũng – Trạm trưởng Trạm bảo vệ thực vật huyện Ứng Hòa, Trạm đã phối hợp với chính quyền địa phương ra các thông báo về phòng chống bệnh đạo ôn trên lúa và thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn bà con về cách phòng, trị bệnh đạo ôn qua hệ thống loa phóng thanh.

 Trước tình hình bệnh đạo ôn lá đã phát sinh gây hại tại một số địa phương, để phòng trừ bệnh đạt hiệu quả, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt đạt năng suất cao, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đã có công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn tập trung chỉ đạo các hợp tác xã nông nghiệp, nhân viên kỹ thuật trồng trọt bảo vệ thực vật xã, khuyến nông viên xã, thị trấn cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện kịp thời diện tích lúa bị bệnh, hướng dẫn nông dân biện pháp kỹ thuật phòng trừ không để bệnh lây lan ra diện rộng; đồng thời, khuyến cáo bà con nông dân thăm đồng thường xuyên và thực hiện phun thuốc phòng trị sâu bệnh hại lúa theo sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Bệnh Đạo ôn hại lúa là bệnh gây hại nghiêm trọng nhất trên cây lúa, dịch xảy ra trên diện rộng sẽ gây thiệt hại lớn đến năng suất và sản lượng. Tác nhân gây bệnh có thể tấn công mọi giai đoạn của cây lúa; bắt đầu từ giai đoạn mạ hoặc sau khi gieo cấy cho đến trước trỗ thì gọi là bệnh đạo ôn lá (hay gọi là bệnh cháy lá). Bệnh còn có thể gây hại giai đoạn lúa làm đòng đến trỗ gây hại cổ bông, cổ gié làm cản trở việc vận chuyển chất dinh dưỡng từ cây lúa lên nuôi bông, nuôi hạt, hạt lúa sẽ bị lép lửng. Vì vậy, chính quyền địa phương và bà con nông dân cần phát hiện sớm bệnh và chủ động phòng trị bệnh đạo ôn kịp thời theo khuyến cáo./.

                                      Lưu Phượng