Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xã Đạ M’rông: Từng bước hình thành vùng chuyên canh dâu tằm quy mô lớn

Xã Đạ M’rông là một trong 03 xã thực hiện tốt Kế hoạch số 33/KH-UBND ngày 21/3/2018 của UBND huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng về việc tuyên truyền, vận động và phát triển diện tích trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện đến năm 2020 và Kế hoạch số 101/KH-UBNDngày 05/9/2019 của UBND huyện Đam Rông về việc thực hiện Đề án phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ trên địa bàn huyện Đam Rông đến năm 2023.



Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi diện tích bãi bồi ven sông, ven suối từ trồng bắp và lúa 1 vụ sang trồng dâu, đến nay diện tích trồng dâu của xã Đạ M’rông đã phát triển lên trên 50 ha. Đây là kết quả của quá trình tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi tập quán, tư duy sản xuất của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó hình thành vùng sản xuất dâu tằm có quy mô lớn.

Qua kết quả khảo sát, đánh giá của xã Đạ M’rông, hiện trên địa bàn xã có 145 ha đất bãi bồi ven sông, suối đang được bà con sử dụng trồng bắp, lúa 1 vụ và đất bỏ trống phù hợp với cây dâu tằm. Nhận thấy được hiệu quả kinh tế của cây dâu tằm, những năm qua, thông qua nhiều chương trình, dự án, xã Đạ M’rông đã hỗ trợ và khuyến khích các hộ dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả nhưng phù hợp với cây dâu sang trồng dâu kết hợp với nuôi tằm. Đến thời điểm hiện tại, đã có 50,7 ha dâu tằm của 138 hộ sản xuất trên địa bàn xã. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 24,7 ha cho 87 hộ sản xuất. Hộ có diện tích dâu tằm lớn nhất là 0,5 ha. Hộ có diện tích trồng dâu nuôi tằm nhỏ nhất khoảng 0,1 ha.

 Xã Đạ M’Rông hiện có 67 hộ đang nuôi tằm. Trong đó, có 4 hộ nghèo, 19 hộ cận nghèo. Đặc biệt, có 10 hộ đã thoát nghèo nhờ trồng dâu, nuôi tằm giai đoạn từ năm 2018 - 2021. Qua kết quả khảo sát của xã Đạ M’Rông hiện có 32 hộ với 5,7 ha diện tích sản xuất lúa một vụ và bắp kém hiệu quả có nhu cầu chuyển đổi diện tích sang trồng dâu, nuôi tằm. Dự kiến trong năm 2022, sẽ có thêm 20 ha dâu tằm được trồng ở xã Đạ M’Rông. Trong đó, khu vực cánh đồng Cọp với 6 ha, cánh đồng Chuối 5 ha, cánh đồng Jơng Jri 2 ha, diện tích xâm canh và một số diện tích nhỏ lẻ khác khoảng 7 ha. Theo lộ trình đến cuối năm 2022 diện tích đất trồng dâu trên địa bàn xã đạt 75 ha và có 100 hộ trồng dâu trực tiếp nuôi tằm. Đến cuối năm 2023, diện tích trồng dâu đạt trên 95 ha và có trên 130 hộ trồng dâu trực tiếp nuôi tằm. Đến cuối năm 2025 diện tích đất trồng dâu đạt 120 ha và có trên 200 hộ trồng dâu trực tiếp nuôi tằm.

Ông Nguyễn Hoàng Mai - Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Đạ M’rông cho biết: “Xã Đạ M’rông thực hiện rất tốt việc tuyên truyền, vận động và phát triển diện tích trồng dâu nuôi tằm theo định hướng của huyện. Xã đã định hướng mở rộng diện tích trồng dâu và tăng số hộ nuôi tằm trên địa bàn toàn xã, phấn đến năm 2025 trên địa bàn xã sẽ trồng được 120 ha dâu tằm, trong đó có hơn 50% số hộ trồng dâu trực tiếp nuôi tằm còn số hộ còn lại sẽ bán lá cho các hộ khác để nuôi tằm”.

Gia đình chị Liêng Jrang K’Xuyên (thôn Đạ Tế, xã Đạ M’rông) bắt đầu bén duyên với nghề trồng dâu, nuôi tằm từ cuối năm 2020. Gia đình chị đã mạnh dạn chuyển đổi 4 sào đất trồng bắp thuộc cánh đồng Đơng Jri sang trồng dâu. Với diện tích trồng dâu này đầu năm 2021 gia đình chị đã nuôi ½ hộp tằm/tháng và hơn 3 tháng trở lại đây gia đình chị đã mở rộng quy mô lên 1 hộp/tháng thu được trung bình 50 kg kén. Với giá bán 200 ngàn đồng/kg, nghề trồng dâu, nuôi tằm cho thu nhập 10 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều lần so với trồng bắp, trồng lúa, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư ban đầu thấp, quay vòng vốn nhanh và tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi.

Gia đình ông Liêng Jrang Ha Ba (thôn Đạ Tế, xã Đạ M’rông) hiện đang canh tác 5,5 sào bắp ở cánh đồng Đơng Jri. Tuy nhiên, năng suất sản lượng mang lại rất thấp, nhiều năm nay gia đình ông vẫn nằm trong danh sách hộ nghèo của thôn. Qua công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương và qua tìm hiểu, ông Liêng Jrang Ha Ba thấy được hiệu quả thiết thực của việc trồng dâu, nuôi tằm mang lại. Do vậy, gia đình ông đã đăng ký chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng bắp sang trồng dâu, nuôi tằm.

Với những lợi thế về điều kiện đất đai, 3 xã Đạ M’rông, Đạ Tông và Đạ Long của huyện Đam Rông thích hợp với việc trồng dâu, nuôi tằm. Do vậy, vào thời điểm gần cuối năm 2021, đoàn công tác của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, các cơ quan chuyên môn của huyện Đam Rông đã tiến hành khảo sát và bàn các giải pháp để phát triển diện tích trồng dâu, nuôi tằm ở các xã này, nhằm mở ra hướng làm ăn mới, hiệu quả, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích, cũng như xóa nghèo bền vững ở địa phương./.

Bùi Hằng - TTKN Lâm Đồng