Ứng dụng hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong nuôi cá nước ngọt thâm canh là một trong những tiến bộ kỹ thuật mới nhất hiện nay của ngành thủy sản. Tiến bộ khoa học này đã được ứng dụng nhiều ở khu vực phía Nam, tuy nhiên đối với khu vực phía Bắc thì có thể nói Vĩnh Phúc là một trong những đơn vị tiên phong đi đầu. Việc áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực thủy sản góp phần phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản, nâng cao giá trị thu nhập cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã xây dựng mô hình ứng dụng hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong nuôi cá nước ngọt thâm canh cao với quy mô 03 ha gồm 06 hộ tham gia. Mô hình này giúp cho các hộ dân thay đổi phương thức nuôi trồng thủy sản truyền thống sang phương thức công nghệ số cho người nuôi thủy sản, khắc phục những hạn chế so với nuôi thủy sản truyền thống. Hỗ trợ người nuôi quản lý tốt dịch bệnh và môi trường nước ao nuôi, tiết kiệm nước, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trong nuôi trồng thủy sản. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Tại hội thảo, học viên và đại biểu được thông tin về ứng dụng thực tế, cách thức vận hành của hệ thống cảm biến các yếu tố môi trường nước, giám sát liên tục biến động của môi trường nước ngọt trong ao nuôi thâm canh. Hệ thống được vận hành tự động, dễ dàng quản lý từ xa, người nuôi sẽ theo dõi các chỉ số thay đổi trên ứng dụng di động, nhờ đó kiểm soát tốt dịch bệnh, giảm rủi ro, nâng cao hiệu quả nuôi trồng.
Mô hình tuy còn mới mẻ với các hộ nuôi nhưng bước đầu đã cho thấy được sự phấn khởi khi tiếp xúc với công nghệ mới. Anh Vũ Hiền Lương - hộ nuôi cá trắm cỏ thâm canh tại xã Văn Quán, huyện Lập Thạch chia sẻ “Chúng tôi rất vui khi được Trung tâm Khuyến nông quan tâm giúp đỡ tham gia thực hiện mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Hệ thống được lắp đặt rất nhanh và vận hành khá trơn tru. Các cán bộ hướng dẫn tỉ mỉ cho tôi về cách sử dụng, giám sát và phân tích các chỉ số của môi trường nước trên ứng dụng di động. Hy vọng hệ thống này sẽ giúp người nuôi giải quyết được những vấn đề như kiểm soát chất lượng nước, quản lý dịch bệnh, giảm rủi ro trong quá trình nuôi trồng.”
Kết quả dự kiến cụ thể tỷ lệ sống đến khi thu hoạch đạt 70%, trọng lượng bình quân đạt 1.8kg/con (năng suất dự kiến sẽ đạt mức 12,600kg/ha), hệ số FCR là 1.8. Hiệu quả kinh tế dự kiến của mô hình sẽ xấp xỉ trên 10% và khả năng nhân rộng mô hình dự kiến cũng đạt xấp xỉ trên 10%.
Chuyển đổi số không phải là xu thế ngắn hạn mà là định hướng cốt lõi sẽ thay đổi toàn diện ngành thủy sản Việt Nam trong tương lai. Chính vì vậy mà những mô hình thủy sản ứng dụng tiến bộ khoa học mới của Trung tâm Khuyến nông sẽ giúp cho bà con nông dân trong tỉnh tiếp cận nhanh và không bị tụt lùi so với tình hình phát triển chung của ngành thủy sản trong nước./.
Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư Vĩnh Phúc