Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ưu tiên hỗ trợ cải tạo, xây dựng hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về việc tăng cường công tác phát triển nuôi trồng thủy sản, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023.



Theo đó, để nâng cao hiệu quả công tác phát triển nuôi trồng thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn Thành phố trong năm 2023, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực thực hiện Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 25/2/2022 của UBND Thành phố về thực hiện chiến lược phát triển thủy sản thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cập nhật, chỉ đạo việc xây dựng phương án phát triển thủy sản, ưu tiên tích hợp quy hoạch phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản với phát triển các ngành kinh tế khác của địa phương như: Nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, thương mại... vào Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Đối với các vùng có tiềm năng, lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản cần ưu tiên đưa vào quy hoạch phát triển chuỗi sản xuất, chế biến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Ưu tiên hỗ trợ cải tạo, xây dựng hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trong quy hoạch; tập trung nguồn lực trong công tác chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn; rà soát, phát triển nuôi thủy sản lồng bè trên sông và hồ chứa; thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản; công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất thủy sản, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.

Chủ tịch UBND Thành phố cũng chỉ đạo tăng cường rà soát, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở sản xuất giống thủy sản trên địa bàn thực hiện đăng ký đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật. Tập trung phát triển nuôi các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như: cá chép lai, cá rô phi đơn tính và các loại thủy đặc sản (cá trắm đen, cá lăng, diêu hồng, tôm càng xanh...). Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn, xây dựng nhãn hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thủy sản an toàn, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.

Đồng thời, đổi mới tư duy, phương pháp quản lý của các hợp tác xã, tổ hợp tác, chi hội, câu lạc bộ nuôi trồng thủy sản; tập trung nghiên cứu, hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản trong tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản. Tiếp tục giao chỉ tiêu kế hoạch về bảo đảm an toàn thực phẩm cho UBND các xã, phường, thị trấn; tổ chức ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đối với 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thủy sản nhỏ lẻ theo quy định; kiên quyết xử lý và công khai các trường hợp vi phạm theo quy định.

Liên quan đến nhiệm vụ trên, Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp với UBND các huyện, thị xã rà soát quy hoạch thủy sản, xây dựng cơ sở sản xuất an toàn về dịch bệnh thủy sản; quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vật tư nông nghiệp và thực phẩm thủy sản theo phân cấp. Tăng cường công tác quản lý vật tư, giống thủy sản theo đúng quy định. Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh thực phẩm thủy sản theo phân cấp...

Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ngành: Công Thương, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Công an thành phố Hà Nội, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội và các sở, ngành và đoàn thể liên quan căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của đơn vị chủ động, phối hợp cùng Sở Nông nghiệp & PTNT và các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên theo quy định. /.

TT (Theo Cổng GTĐT Hà Nội)