Những thành tựu to lớn, toàn diện
Trong Nghị quyết số 26-NQ/TƯ ngày 5-8-2008, tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa X), lần đầu tiên ba vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn được đề cập trong một chủ trương lớn. Trên cơ sở đó, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục đặt nhiệm vụ trọng tâm là “... đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới...”.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Nguyễn Xuân Cường, nhờ đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống, giai đoạn 2016-2020, nông thôn Việt Nam đã “thay da đổi thịt”, phát triển văn minh và hiện đại hơn. Trong đó, nổi bật là việc triển khai mạnh mẽ Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững đã đem lại sự phát triển toàn diện trong giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng toàn ngành bình quân đạt 2,62%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 190,5 tỷ USD, riêng năm 2020 đạt 41,25 tỷ USD; thu nhập của cư dân nông thôn năm 2020 đạt 43 triệu đồng/người...
Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, tính đến hết năm 2020, cả nước có 5.506 xã (chiếm 62% số xã) và 173 đơn vị cấp huyện (chiếm 26%) đạt chuẩn - hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 12/63 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới…
Tại Hà Nội, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, trong 5 năm qua, thành phố đã huy động được hơn 62,4 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2020, thành phố đã có 7 đơn vị cấp huyện; 367/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hiện, giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố.
Có thể khẳng định, trong giai đoạn 2016-2020, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nông nghiệp, nông thôn, đời sống nông dân cả nước đã có bước chuyển căn bản, đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử.
Ưu tiên nguồn lực, duy trì thế mạnh
Tiếp tục ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ…”.
Để thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ Nông nghiệp & PTNT sẽ chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo hướng tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả và bảo đảm tính bền vững; ưu tiên hỗ trợ các vùng khó khăn. Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp & PTNT sẽ thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Trong đó, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới, nhất là cơ chế, chính sách về đất đai, tín dụng, đầu tư...
Về vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến thông tin, Hà Nội đang xây dựng dự thảo Chương trình số 04 của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”. Thành phố phấn đấu đến năm 2025 có 100% huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 3 huyện và 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu...
Cùng với đó, thành phố tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phấn đấu đến năm 2025, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt từ 50% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đồng thời chịu sự tác động từ biến đổi khí hậu, việc tiếp tục duy trì các thế mạnh, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho “tam nông” là động lực quan trọng để phát triển nền nông nghiệp bền vững; qua đó, đưa khu vực nông thôn trở thành những miền quê đáng sống, ngày càng nâng cao đời sống của nông dân./.
Nguyễn Mai