Theo đó, UBND thành phố yêu cầu UBND quận, huyện, thị xã phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan và các cơ quan truyền thông thành phố tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, hộ chăn nuôi về bệnh dịch tả lợn châu Phi, nghiêm túc thực hiện 5 “Không” và 4 “tại chỗ”. Nâng cao trách nhiệm của người dân và các hộ chăn nuôi trước tình hình cấp bách về bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước và phân công trách nhiệm cụ thể tới từng cán bộ lãnh đạo, CB, CC đơn vị trong công tác phòng, chống bệnh dịch trên địa bàn; xử lý nghiêm những cán bộ lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm để dịch phát sinh, lây lan diện rộng. Thường xuyên kiểm tra kiểm soát chặt chẽ các lò giết mổ, buôn bán, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trên địa bàn; đặc biệt kiểm soát các tư thương bán lẻ thịt lợn tại các chợ vùng nông thôn, các chợ “cóc” các khu đô thị; 100% cơ sở giết mổ phải được kiểm soát chặt chẽ của cơ quan Thú y; các chợ, cửa hàng bán thịt lợn phải rõ nguồn gốc, phải có dấu kiểm soát giết mổ đúng quy định; nghiêm cấm không bán thịt lợn không rõ nguồn gốc, không có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan Thú y đóng trên thân thịt. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng thức ăn dư thừa tại các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Quản lý, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh dịch ngay tại các hộ chăn nuôi, các trang trại nuôi lợn trên địa bàn, kịp thời phát hiện, xử ngay từ giờ đầu khi phát hiện dịch, không để dịch lây lan diện rộng. Chủ động sử dụng từ nguồn kinh phí dự phòng ngân sách để phục vụ công tác phòng, chống dịch hiệu quả, như: Mua vật tư, hóa chất, chi trả xét nghiệm test nhanh, hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy theo đúng quy định.
Trong quá trình thực hiện dập dịch, nếu thiếu vật tư, hóa chất thiết yếu phục vụ phòng chống dịch, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương thực hiện các quy định hiện hành, chỉ định nhà cung cấp vật tư, hóa chất để dập dịch kịp thời, hiệu quả, yêu cầu đảm bảo chất lượng theo đúng quy định của pháp luật. Nếu địa phương nào để xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi do lơ là, thiếu trách nhiệm, người đúng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ quản lý khu vực phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố.
Do thời tiết nắng nóng, việc tổ chức tiêu hủy lợn bị chết phải thực hiện khẩn trương, đúng quy định (không để kéo dài quá 3 ngày, lợn chết phải được tiêu hủy), không để ảnh hưởng đến ô môi trường. Công tác xét nghiệm, chuẩn đoán bệnh phải tiến hành nhanh, chính xác để quyết định tiêu hủy, việc chôn lấp gia súc theo quy định.
Sở NN&PTNT phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, các địa phương tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ bệnh dịch đến từng hộ chăn nuôi; phát hiện và xử lý sớm, triệt để ngay từ giờ đầu, khống chế không để bệnh dịch lây lan diện rộng. Phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các lò giết mổ, buôn bán, kinh doanh, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trên địa bàn. Tiếp tục duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông ra vào thành phố. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật. Kiểm tra, rà soát, bổ sung đầy đủ vật tư, hóa chất phục vụ kịp thời công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố. Phối hợp Sở Tài chính thống nhất tham mưu, bố trí kinh phí phòng, chống dịch theo đúng quy định.
Các sở, ngành, đơn vị: Y tế, Công Thương, Công an thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ của đơn vị, phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc đạt hiệu quả cao.
Về kiến nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1844/QĐ-UBND ngày 3/5/2012 của UBND thành phố: Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở NN&PTNT nghiên cứu, thống nhất, tham mưu trình UBND thành phố xem xét giải quyết nâng mức hỗ trợ, bồi dưỡng cán bộ thú y và những người trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, dịch bệnh gia súc, gia cầm phù hợp thực tế, đúng quy định.
Mức hỗ trợ tiêu hủy lợn bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi: Thực hiện theo Văn bản số 1329/UBND-KT ngày 2/4/2019 của UBND thành phố. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cập nhật, công bố thông tin giá thị trường lợn hơi, thông báo công khai trên hệ thống thư điện tử, phương tiện thông thành phố trước 10h sáng hằng ngày để các địa phương làm căn cứ thực hiện.
Đối với các địa phương (thôn, xã) lần đầu có lợn bị ốm, chết có các triệu chứng điển hình, phải lấy mẫu xét nghiệm theo quy định. Đối các địa phương (thôn, xã) đã có kết luận dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi: Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, khi lợn bị ốm, chết có triệu chứng lâm sàng điển hình, sử dụng test nhanh để chẩn đoán. Các cơ sở chăn nuôi vừa và lớn (trang trại, gia trại, HTX, Công ty) khi lợn bị ốm, chết có triệu chứng lâm sàng điển hình, lấy mẫu xét nghiệm gửi Chi cục Thú y vùng I, Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương làm xét nghiệm theo quy định.
Liên quan đến công tác quản lý chó nuôi và phòng, chống bệnh dại: Các cơ quan truyền thông phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng và người nuôi chó, mèo về nguy hiểm của bệnh dại do chó, mèo gây ra. Các sở, ngành liên quan, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, chủ động phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện của các địa phương về công tác tiêm phòng dại và quản lý chó nuôi.
UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại và quản lý chó nuôi theo Luật Thú y, Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ, Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ NN&PTNT.
TX (Theo Cổng GTĐT TP Hà Nội)