Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp: Hướng đi ngắn nhất để nâng cao thu nhập

Thời gian qua, nền nông nghiệp Hà Nội không chỉ chuyển động theo hướng nâng cao giá trị gia tăng mà còn được ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ. Nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ tiến bộ ra đời và phổ biến cho người dân học hỏi, làm theo. Đây là hướng đi ngắn nhất của Hà Nội để tiếp tục đưa kết quả từ các cơ sở nghiên cứu vào sản xuất và nâng cao thu nhập cho nông dân.



Thông qua các chương trình khoa học công nghệ, thành phố Hà Nội đã triển khai hàng trăm đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu phục vụ sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, dấu ấn thành công nhất là đề tài nghiên cứu khẩu phần ăn phù hợp với các giai đoạn tuổi của bò lai hướng thịt F1 nuôi tại ngoại thành Hà Nội. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, trong giai đoạn 2016-2018, với ngân sách được bố trí 1,5 tỷ đồng cho đề tài này, nhưng kết quả đã vượt ngoài sự mong đợi. Trong thời gian ngắn, các đơn vị được giao nhiệm vụ đã xác định được nhu cầu dinh dưỡng, xây dựng được 3 công thức phối trộn thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh phù hợp cho các giai đoạn tuổi của bò lai hướng thịt, 3 mô hình chăn nuôi quy mô hộ, 1 quy mô trang trại, đáp ứng yêu cầu đề ra. Qua đó, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn 15% so với chăn nuôi đại trà.

Ngoài thực hiện các đề tài, dự án như hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nguyên liệu giàu protein từ bột sắn và bã sắn bằng công nghệ lên men vi sinh để làm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh trong chăn nuôi bò và bò thịt tại vùng chăn nuôi trọng điểm của Hà Nội…, ngành chăn nuôi của thành phố đã đón tin vui khi thực hiện thành công đề tài nghiên cứu sản xuất tinh bò Blanc - Bleu - Belge (BBB) thuần đông lạnh cọng rạ và thử nghiệm phương pháp phân tách tinh phân giới. Đề tài này thực hiện trong giai đoạn 2018-2020. Đến nay, các cơ quan, đơn vị liên quan đã sản xuất được 70.000 liều tinh bò BBB đông lạnh dạng cọng rạ phục vụ chăn nuôi bò trên địa bàn thành phố và cả nước.

Lĩnh vực trồng trọt của Hà Nội cũng đã ghi nhận nhiều công trình, đề tài, dự án nghiên cứu đã được đưa vào ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp. Đơn cử như việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng ở xã Đại Thắng (huyện Phú Xuyên) không chỉ góp phần làm tăng năng suất cây trồng, còn làm giảm chi phí sản xuất, sức lao động. Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, có được những kết quả này là do xã Đại Thắng đã mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, xã đã đầu tư mua hàng chục máy cấy, máy làm đất, hàng nghìn khay gieo mạ phục vụ sản xuất trên địa bàn và các địa phương lân cận.

Ông Nguyễn Huy Đăng cho biết, tỷ lệ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp Hà Nội khá cao, khoảng 70% đề tài và 100% dự án. Từ kết quả này đã hình thành các quy trình công nghệ, giải pháp kỹ thuật mới, một số giống cây ăn quả đặc sản, giống lúa lai năng suất cao. Đồng thời, triển khai thực hiện mô hình đồng bộ: Sản xuất rau an toàn, phòng chống dịch bệnh tổng hợp trong chăn nuôi bò thịt, bò sữa chất lượng, hiệu quả, an toàn dịch bệnh. Nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách được đề xuất đưa vào áp dụng cùng các giải pháp kỹ thuật, biện pháp kinh tế khác đã cho hiệu quả kinh tế cao, giúp các nông hộ trang trại, doanh nghiệp phát huy tiềm năng, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp...

Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa, ngành Nông nghiệp Hà Nội xác định ứng dụng khoa học công nghệ là mũi nhọn để tạo sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Thực tiễn cho thấy, nhiều sản phẩm khoa học, công nghệ đã được chuyển giao vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, giải phóng sức lao động, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi làm tăng giá trị sản xuất và làm giàu cho nhiều hộ dân. Nhất là sau dồn điền đổi thửa, người nông dân ngoại thành Hà Nội đã biết tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo bước phát triển lớn trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh có giá trị kinh tế cao, như: Mô hình hoa ở một số xã thuộc huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Mê Linh, Thanh Trì, Đông Anh; mô hình cây ăn quả ở một số xã thuộc huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh; mô hình chăn nuôi an toàn sinh học xa khu dân cư như ở  Ba Vì, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Quốc Oai cho giá trị 0,5-1,5 tỷ đồng/ha/năm, thậm chí đạt gần 2 tỷ đồng/ha/năm...

Để khoa học công nghệ phát huy vai trò “đòn bẩy” với nông nghiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ chia sẻ, trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, việc nghiên cứu khoa học công nghệ, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn. Vì vậy, trong cơ cấu lại nông nghiệp, thành phố xác định doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng đối với việc nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và dẫn dắt nông dân sản xuất. Thời gian tới, sẽ Sở Nông nghiệp & PTNT tiếp tục tham mưu thành phố tiếp tục tạo điều kiện về thủ tục pháp lý cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ để tạo ra những sản phẩm khoa học công nghệ mới, áp dụng vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp. Nếu không có sự hỗ trợ, nông dân khó có thể đầu tư cơ sở hạ tầng và sản xuất quy mô lớn.

Được biết, nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đồng thời, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thành phố Hà Nội cũng sẽ tiếp tục có các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là chính sách về đầu tư đồng bộ hệ thống nhà màng, nhà lưới điều khiển tự động để sản xuất các loại giống cây trồng, vật nuôi sạch bệnh có năng suất, chất lượng cao./.

NT (Theo Cổng GTĐT Hà Nội)