“Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu thịt lợn cỡ mạnh trên thế giới. Ở thị trường trong nước, lượng thịt lợn tiêu thụ chiếm 60% các loại thịt. Do đó, chúng ta cần dập dịch tả lợn Châu Phi ngay khi còn manh nha”, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Vương Công Dân, Cục phó Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc.
Ông Vương nói hiện giới chức Trung Quốc dùng phương châm 4 chữ để đối phó dịch tả lợn Châu Phi: “Diệt, Tra, Hạn, Cấm”. Trong đó, diệt là nhanh chóng diệt nguồn bệnh. Ngay khi phát hiện, các cơ quan liên quan cần hành động với tốc độ cao nhất để phong tỏa, tiêu hủy lợn bệnh, phun thuốc phòng độc.
Tra, là kiểm tra toàn diện, đối với các chuồng nuôi, thị trường, nơi giết mổ. Đồng thời, Trung Quốc cũng tăng mạnh kiểm tra vùng biên, các đầu mối giao thông.
Hạn, là giảm việc di chuyển lợn. Các địa phương ở Trung Quốc được yêu cầu giám sát chặt việc vận chuyển thịt lợn, lợn sống, xử phạt nặng tay với các hành vi bất hợp pháp về buôn bán, di chuyển thịt lợn hay lợn sống.
Cấm, là lập tức cấm các hộ chăn nuôi sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt độ cao để làm thức ăn nuôi lợn.
Ông Vương nói ngoài 4 phương châm trên, Trung Quốc còn áp dụng biện pháp giết, chôn lợn bệnh. “Nhìn chung nếu bị đưa vào môi trường nóng 70 độ C trong 30 phút, virus dịch tả Châu Phi sẽ chết”, ông Vương cho biết. Theo đó, Trung Quốc từ nhiều năm qua thường giết lợn bệnh, sau đó đào hố chôn với các quy định rõ ràng về đảm bảo lớp đất phủ trên hố đủ dày, hạn chế tối đa mầm bệnh lây lan hay gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. “Sau khi đưa lợn bệnh đã chết xuống hố, cần rắc vôi sống, vì chất này khi gặp nước sẽ sản sinh nhiệt độ cao, đủ khiến virus tả lợn Châu Phi bị diệt”, Cục phó Cục Chăn nuôi nói.
Hạn chế dùng cám
Ông Hoàng Bảo Tục, Phó chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu bệnh lây truyền ở động vật, Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc, khuyến cáo người dân nên hạn chế dùng nước cám, chế biến từ thức ăn thừa lấy ở nhà hàng để nuôi lợn.
“Cám lợn chế biến từ thức ăn thừa như thế là một trong những nguồn lây lan dịch. Chúng tôi biết người dân thích nuôi lợn kiểu đó vì giảm được chi phí, song nếu không mua được cám tiêu chuẩn, thì phải đun sôi cám ít nhất trong 30 phút trước khi cho lợn ăn”, ông Hoàng nói.
Ảnh hưởng dây chuyền
Tờ Wall Street Journal, bản tiếng Trung, hôm 19/2 đưa tin một số mặt hàng nông sản ở Trung Quốc bị giảm giá mạnh do tả lợn Châu Phi. Cụ thể là đậu nành và ngô. Năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 96 triệu tấn đậu nành, năm sau đó là 85 triệu tấn. Hiện giá đậu nành và ngô giảm mạnh, song chưa có con số thống kê cụ thể trên toàn Trung Quốc. Hiện tượng mất giá này xuất hiện nhiều ở vùng đông bắc Trung Quốc.
Dịch tả lợn Châu Phi được phát hiện lần đầu năm 1921 tại Kenya, có triệu chứng lâm sàng khá giống bệnh tả lợn thông thường. Lợn ở các giai đoạn phát triển đều có thể mắc bệnh, tỷ lệ lợn chết do bệnh có thể lên đến 100%. Hiện chưa có vacxin đặc trị cho bệnh này.
Từ tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc coi lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi là đối tượng buộc phải tiêu hủy. Giá đền bù cho mỗi con lợn bị tiêu hủy là 1.200 nhân dân tệ (khoảng 4,1 triệu đồng)./.
TT (Theo Báo NNVN)