Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Triển vọng phát triển nghề trồng nấm tại Lâm Đồng

Nấm là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, chứa nhiều protein và nhiều loại vitamin như vitamin B1, B2, PP,… và các axit amin thiết yếu, không gây xơ cứng động mạch và không làm tăng lượng cholesterol trong máu.



Nấm còn có nhiều tác dụng dược lý khá phong phú như: Tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, kháng ung thư và kháng virus, ngăn ngừa và trị liệu các bệnh tim mạch, hạ đường máu, chống phóng xạ, chống oxy hóa, giải độc và bảo vệ tế bào gan, an thần rất có lợi cho việc điều chỉnh hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Trên thế giới có khoảng 2.000 loài nấm ăn được, trong đó có 80 loại nấm ăn ngon và được nuôi trồng nhân tạo. Tại Việt Nam, ngành nấm đang ngày càng phát triển, các loại nấm được trồng phổ biến như nấm mộc nhĩ, nấm rơm, nấm mỡ, nấm bào ngư, nấm hương, kim châm, linh chi và nhiều loại nấm khác.

Lâm Đồng có 3 vùng khí hậu gồm độ cao dưới 500 m, độ cao từ 500 - 1.000 m và trên 1.000 m so với mực nước biển, ẩm độ tương đối cao 85 - 87%, ít xảy ra bão lũ. Do đó, rất phù hợp cho phát triển sản xuất các loại nấm và sản xuất được quanh năm các loại nấm ăn và nấm dược liệu. Các loại nấm phổ biến như nấm bào ngư, nấm đông cô, nấm rơm, nấm mộc nhĩ, nấm mỡ…; các nấm dược liệu như linh chi, nấm hầu thủ, đông trùng hạ thảo…. Hiện nay, tại Lâm Đồng có khoảng 115 ha trồng nấm với sản lượng khoảng 4.400 tấn/năm tập trung chủ yếu tại các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, TP. Bảo Lộc, TP. Đà Lạt và huyện Lạc Dương.

Công nghệ sản xuất nấm không phức tạp, nấm sinh trưởng nhanh, nguyên liệu để sản xuất chủ yếu là xenlulô và các phụ phẩm của ngành sản xuất nông, công, lâm nghiệp dễ kiếm, dễ sử dụng là một trong những ngành trung gian tạo ra sản phẩm có giá trị cao từ phế phụ phẩm của các ngành đó. Phế phụ phẩm của ngành sản xuất nấm được sử dụng làm phân bón trong nông nghiệp. Vì vậy, ngành sản xuất nấm trở thành một vị thế trong chu trình khép kín tuần hoàn và không gây ô nhiễm môi trường giữa ngành nông, công, lâm nghiệp và ngành sản xuất phân bón hữu cơ.

Tại Lâm Đồng mỗi năm có khoảng 214.660 tấn phụ phẩm từ rơm rạ, trấu, cám và hàng trăm tấn mùn cưa từ các xưởng sản xuất gỗ. Đây là nguồn nguyên liệu lớn trong sản xuất nấm tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ giảm bớt chi phí vận chuyển và tăng hiệu quả sản xuất. Trồng nấm chỉ cần diện tích đất nhỏ, phù hợp cho phát triển nông hộ, các loại nấm ăn chi phí đầu tư thấp, nhà trồng nấm không cần hiện đại có thể làm đơn giản, che chắn cẩn thận, một diện tích đất nhỏ cho năng suất lớn, lực lượng lao động ít có thể tận dụng lao động sẵn trong gia đình như người cao tuổi, trẻ em trong công việc thu hoạch nấm. Thị trường tiêu thụ nấm hiện nay tại Lâm Đồng sản xuất ra chủ yếu tiêu thụ qua các kênh chợ đầu mối, siêu thị, công ty thu mua, cửa hàng nông sản… sản lượng nấm sản xuất ra chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước và phục vụ chế biến. Đặc biệt, các loại nấm dược liệu hiện chủ yếu được nuôi trồng tại Lâm Đồng nên chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Để phát triển ngành nấm tại Lâm Đồng trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp như quy hoạch vùng sản xuất nấm trên địa bàn tỉnh theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với tiêu thụ, mỗi vùng nên tập trung phát triển một vài loại nấm (nấm ăn, nấm dược liệu) thích hợp với điều kiện khí hậu thời tiết, nguyên liệu, lao động. Tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, quy mô công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu nấm. Hình thành các liên kết sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu. Đẩy mạnh chế biến, đa dạng hóa chủng loại, sản phẩm, giảm qua nhiều khâu trung gian. Đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành nấm tại Lâm Đồng./.

Nguyễn Thị Thùy - TTKN Lâm Đồng