Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện các nội dung sau:
Đối với các UBND quận, huyện, thị xã khi chưa có dịch xảy ra tổ chức thống kê tổng số đàn gia súc (trâu, bò, dê, cừu) trên địa bàn để chủ động ứng phó khi có dịch. Hướng dẫn người chăn nuôi giám sát gia súc, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thường xuyên tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực nuôi.
Chỉ nhập, tiếp nhận gia súc rõ nguồn gốc đã qua kiểm dịch theo quy định; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định bao gồm tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho gia súc. Thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.
Khi có dịch xảy ra tổ chức cách ly toàn bộ gia súc chưa có biểu hiện của bệnh Viêm da nổi cục, nuôi nhốt trâu, bò, dê, cừu tại các khu vực có gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh. Tổ chức tiêu hủy toàn bộ gia súc có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh Viêm da nổi cục hoặc gia súc trong địa bàn cùng xã (đã có kết quả xét nghiệm dương tính) có biểu hiện lâm sàn của bệnh Viêm da nổi cục; Hỗ trợ cho chủ vật nuôi có gia súc buộc phải tiêu hủy do dịch bệnh theo đúng quy định của Trung ương và Thành phố;
Tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve…liên tục trong vòng 03 tuần tại các hộ chăn nuôi có gia súc biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh. Khoanh vùng dịch, xã có dịch và lập chốt tạm thời để kiểm soát việc vận chuyển trâu, bò ra, vào các xã có dịch; trường hợp cần thiết thành lập đội kiểm soát lưu động để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp cố tình vận chuyển gia súc ra, vào các xã có dịch; Tổ chức rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi trâu, bò, dê, cừu trên địa bàn tất cả các địa phương đã phát hiện có bệnh Viêm da nổi cục, trong đó lưu ý ghi rõ thông tin tình trạng gia súc khỏe mạnh, gia súc có biểu hiện bị bệnh, thời gian xuất hiện các triệu chứng của bệnh, tình trạng xuất bán, giết mổ, vận chuyển gia súc ra khỏi địa bàn cấp xã…
Sở Nông nghiệp & PTNT tham mưu, tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố theo quy định về tình hình, kết quả triển khai tổ chức thực hiện công tác phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên toàn Thành phố; Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch theo quy định của Luật Thú y, các văn bản của Trung ương và Thành phố.
Hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 07/07/2020 của HĐND Thành phố ban hành quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Chỉ đạo các Phòng chuyên môn, Trạm Chăn nuôi và Thú y các quận, huyện, thị xã phân công cán bộ, nhân viên thú y giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở, đảm bảo phát hiện và báo cáo kịp thời. Phối hợp cùng với ban ngành của UBND cấp huyện kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc tổ chức, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về tác hại, tính chất lây lan và các biện pháp phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ giữa tháng 10/2020 đến nay lần đầu tiên xuất hiện bệnh Viêm da nổi cục trên gia súc, cả nước có 39 ổ dịch xảy ra tại các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh và Bắc Ninh chưa qua 21 ngày. Tổng số gia súc mắc bệnh là 451 con, trong số đó gia súc đã tiêu hủy 34 con.
|
Đặng Diện (tổng hợp)