Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Trạm Khuyến nông Thường Tín tổng kết mô hình nuôi thủy sản theo hướng VietGAP 2022

Năm 2022, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, sự đồng ý của UBND huyện Thường Tín. Trạm Khuyến nông huyện triển khai thực hiện mô hình “Nuôi thủy sản theo hướng VietGAP” tại xã Nghiêm Xuyên nhằm đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào nuôi thủy sản để hạn chế việc sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh trong nuôi thủy sản, góp phần bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Các hộ tham gia được tập huấn kỹ thuật đầy đủ và được cán bộ kỹ thuật chỉ đạo mô hình thường xuyên xuống kiểm tra và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh cho cá, cách xử lý môi trường ao nuôi…



Vừa qua, Trạm khuyến nông huyện Thường Tín tổ chức hội nghị tham quan, tổng kết mô hình nuôi thuỷ sản theo hướng VietGAP tại xã Nghiêm Xuyên. Tham gia buổi tham quan, tổng kết có đại diện phòng kinh tế, Hội nông dân, đại diện các ban, ngành đoàn thể xã Nghiêm Xuyên; cán bộ khuyến nông các huyện Thanh Trì, Phúc Thọ, Ứng Hoà, Ba Vì; cùng các đồng chí là giám đốc, phó giám đốc HTX Nông nghiệp, nhân viên khuyến nông 29 xã, thị trấn. 

Sau khi tham quan thực tế mô hình, các đại biểu đã được nghe báo cáo đánh giá kết quả thực hiện mô hình. Theo đó, mô hình được thực hiện với quy mô 03 ha tại xã Nghiêm Xuyên gồm 04 hộ tham gia. Cơ chế hỗ trợ 50% giống với 13.500 con cá chép giống V1 và 9000 con cá rô phi; hỗ trợ 50% vật tư (24.840kg thức ăn hỗn hợp, 72 kg chế phẩm sinh học), và 100% kinh phí cấp giấy chứng nhận VietGap. Trong quá trình nuôi, các hộ thường xuyên dùng chế phẩm Bio-Floc để duy trì màu nước trong ao và hạn chế dịch bệnh cho đàn cá; cho cá ăn tùy theo trọng lượng của cá và điều kiện thời tiết. Cá tăng trọng bình quân từ 125g - 131g/con/tháng. Kết quả dự kiến sau 7 tháng mô hình sẽ cho thu hoạch với lợi nhuận trên 129 triệu đồng.

Qua thực hiện mô hình, đã tạo điều kiện cho bà con nông dân địa phương có thu nhập ổn định, từng bước thay đổi nhận thức của người chăn nuôi trong việc hạn chế sử dụng hóa chất và thuốc kháng sinh. Từ mô hình có thể xây dựng vùng nuôi tập trung, tạo ra sản phẩm an toàn, cung cấp cho người tiêu dùng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi./.

Nguyễn Thị Thu Hương - Trạm KN Thường Tín