Tham dự tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, đến nay, Ngành nông nghiệp Thủ đô đã xây dựng được 159 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông sản. Ngoài ra, Hà Nội đã phối hợp với 21 tỉnh, thành phố cung cấp nông sản cho Hà Nội, xây dựng được 926 chuỗi, chiếm 48% tổng số chuỗi trên cả nước. Công tác xây dựng và phát triển chuỗi bước đầu đã tạo ra các sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản an toàn thực phẩm được kiểm soát chất lượng ở tất cả các khâu; giúp các nhà sản xuất nâng cao ý thức sản xuất đảm bảo an toàn, có trách nhiệm đối với người sử dụng. Đây được xem là một trong những khâu quan trọng trong phát triển nông nghiệp tại Hà Nội.
Tại buổi tọa đàm, các khách mời cho rằng, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị sẽ tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, người tiêu dùng được lợi, các tác nhân (Doanh nghiệp, HTX, nông dân) đạt hiệu quả kinh tế và Nhà nước cũng làm tốt hơn công tác quản lý. Hơn nữa, về xu thế phát triển lâu dài, nông dân không thể trực tiếp đưa nông sản ra thị trường mà cần phải có tư cách pháp nhân, đó là thành lập HTX để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Vấn đề mấu chốt để tham gia vào chuỗi giá trị trong nước hoặc toàn cầu chính là trước khi tổ chức sản xuất đại trà, các HTX phải có sự đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường, tiêu chuẩn chất lượng để làm căn cứ thời điểm, mùa vụ gieo trồng và có kế hoạch sản xuất phù hợp, hiệu quả. Muốn làm được điều này, ngoài "đầu tàu" là các doanh nghiệp, HTX đủ mạnh về vốn, nhân lực thì sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, từ ý kiến của các chuyên gia và nông dân tại tọa đàm, Sở Nông nghiệp & PTNT sẽ tổng hợp, tiếp thu, tham mưu thành phố sửa đổi các cơ chế, chính sách để nông nghiệp phát triển sản xuất an toàn, bền vững, hiệu quả hơn, đặc biệt đối với các nhóm hộ và HTX có tiềm lực về tài chính, quy mô sản xuất, công nghệ chế biến còn yếu.../.
Lưu Phượng