Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tìm “lối riêng” cho rau an toàn

Để có giải pháp phát triển bền vững chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngoài nỗ lực tự thân của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân cũng rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước qua việc tạo “lối riêng” bằng chính sách đặc thù. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm quảng bá thương hiệu rau an toàn Thủ đô.



Nói về sản xuất rau an toàn, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Tây (thôn Đông Tây, xã Vân Nội, huyện Đông Anh) Trần Văn Quân cho biết, hợp tác xã có 23ha rau với nhiều loại rau sạch như cải canh, cải ngồng, cải chít và các loại rau ăn lá khác. Sản phẩm của hợp tác xã được tiêu thụ tại bếp ăn trong khu công nghiệp, bếp ăn trường học; một lượng khác được thương lái thu mua. Tuy nhiên, sự liên kết này còn khá lỏng lẻo, nếu gặp biến cố về thiên tai, dịch bệnh thì việc tiêu thụ rau an toàn của hợp tác xã hầu như bị ngưng trệ...

Tương tự, bà Trần Thị Tình, người trồng rau sạch tại xã Vân Nội (huyện Đông Anh) cũng chia sẻ, bà trồng gần 1ha rau sạch, chủ yếu bán cho thương lái. Việc liên kết tiêu thụ chủ yếu với hình thức “thuận mua vừa bán”, chưa có cam kết theo mùa vụ... Còn theo Phó Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Tiền Lệ (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) Nguyễn Khắc Bút, 35% sản lượng rau của hợp tác xã tiêu thụ qua kênh siêu thị; số còn lại nông dân phải tự tiêu thụ. Đây cũng là khó khăn chung của rất nhiều cơ sở, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô.

Báo cáo tại Hội thảo “Những vấn đề đặt ra từ hiện trạng liên kết sản xuất - tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn Hà Nội” do Hội Nữ trí thức Hà Nội tổ chức mới đây đã chỉ ra 4 rào cản lớn gồm: Tỷ lệ tiêu thụ thông qua hợp đồng với hợp tác xã, doanh nghiệp còn rất ít, chủ yếu là qua kênh bán buôn tại các chợ đầu mối (chiếm 55,8%); việc đầu tư cơ sở hạ tầng của các tác nhân trực tiếp tham gia liên kết chưa được quan tâm đúng mức; 53% số mô hình chưa có khu chế biến rau an toàn riêng; 60% số mô hình không có hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội nhận định, một trong những nguyên nhân khiến sản lượng rau an toàn tiêu thụ thông qua chuỗi chưa nhiều do phần lớn người tiêu dùng chưa có thói quen sử dụng sản phẩm rau có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ở khâu lưu thông, hệ thống cửa hàng, đơn vị cung ứng, tiêu thụ rau an toàn còn gặp sự cạnh tranh khốc liệt với rau sản xuất truyền thống về giá bán tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh...

Nhằm thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị rau an toàn, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tân Lộc, Viện Nghiên cứu rau quả (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, Hà Nội cần ban hành chính sách đặc thù, cụ thể, như: Hỗ trợ các chủ thể liên kết chi phí chứng nhận, bảo hộ nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm nghiệm, đăng ký mã số, mã vạch, dịch vụ tư vấn về phát triển sản phẩm, xây dựng kế hoạch kinh doanh, kết nối tiêu thụ sản phẩm; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tổ chức sản xuất theo hợp đồng, năng lực tiếp cận hệ thống kênh phân phối hiện đại cho các đơn vị sản xuất…

Trong khi đó, theo Phó Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Cao Văn Tuyến, để thúc đẩy liên kết tiêu thụ rau an toàn, nhà sản xuất, doanh nghiệp phân phối, kinh doanh cần chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền nhằm tăng niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm rau an toàn. Khi thông tin về tình hình sản xuất rau an toàn ở các vùng rau trọng điểm, việc tuyên truyền cần khách quan, có sự tham vấn về chuyên môn, tránh những thông tin lệch lạc, phóng đại. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần phối hợp với cơ quan báo chí truyền thông tăng cường giới thiệu, quảng bá về các chuỗi sản xuất - tiêu thụ rau an toàn, điểm bán rau an toàn trên địa bàn thành phố để tăng sự tiếp cận của người tiêu dùng đối với sản phẩm này.

Đồng quan điểm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Tây (xã Vân Nội, huyện Đông Anh) Trần Văn Quân kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường tuyên truyền để người dân tin tưởng, sử dụng rau an toàn theo chuỗi đã được cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng. Đặc biệt, để các mắt xích trong chuỗi liên kết không bị đứt gãy do bất hòa về lợi ích, cần thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức về chuỗi giá trị cho người sản xuất, hợp tác xã...

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường khẳng định, xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ rau an toàn, phát triển các vùng sản xuất rau an toàn tập trung quy mô hơn 5.000 ha. Để giải bài toán liên kết tiêu thụ, thành phố phấn đấu duy trì và tăng 20% chuỗi rau an toàn, nâng cao mức tiêu thụ rau an toàn qua hợp đồng, thúc đẩy sản xuất hiệu quả hơn.../.

TA (Theo Báo HNM)