Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tiềm năng hình thành vùng sản xuất củ năng hữu cơ tại vùng đồng bào dân tộc

Về xã Pró, huyện Đơn Dương giữa tiết trời tháng 5 nắng hạn khốc liệt, chúng tôi được tận mắt chứng kiến người dân đang tích cực cùng nhau tìm cách lấy nước để chống hạn cho củ năng, cứu lấy “sinh kế” của mình. Bởi đây là cây trồng không những phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và tập tính canh tác, mà còn giúp người dân vùng đồng bào dân tộc nơi đây xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống, tăng thu nhập cho gia đình.



Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp

Là một trong những xã thuộc diện 135 của huyện Đơn Dương với hơn 70% là đồng bào dân tộc thiểu số, để giúp người dân phát triển kinh tế hiệu quả, thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã Pró đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể triển khai hướng dẫn bà con áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến nay, xã đã thoát ra khỏi diện xã 135 của tỉnh Lâm Đồng, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc.

 Ông Triệu Ngọc Sơn - người làm công tác khuyến nông lâu năm từ khi xã Pró mới được thành lập, dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xã, chứng kiến nhiều ngôi nhà mọc lên khang trang. Trong số những ngôi nhà này, có không ít hộ đã khá lên nhờ trồng củ năng. Ông Sơn cho biết, diện tích đất trồng rau các loại toàn xã hơn 2.000 ha, chủ yếu là sản xuất rau thương phẩm như cà chua, ớt sừng, đậu leo, bắp sú và cải các loại,… trong đó có gần 350 ha diện tích đang được người dân trồng củ năng. Củ năng được người dân trên địa bàn chuyển đổi từ lúa 2 vụ kém hiệu quả từ hơn 12 năm nay. Lúc đầu, một số nông hộ chỉ chuyển đổi 1 - 2 sào lúa để trồng củ năng, rồi thấy hiệu quả thiết thực do cây trồng này mang lại nên dần dần họ đã chuyển hết diện tích đất trồng lúa để trồng củ năng. Củ năng đang thực sự cho hiệu quả kinh tế cao đối với các hộ dân và cũng được coi là cây xóa nghèo của bà con người đồng bào dân tộc xã Pró.

Sở dĩ nói cây trồng này là cây thoát nghèo của bà con người đồng bào bởi lẽ, củ năng cho năng suất cao hơn 1,5 lần so với cây lúa, vì nếu như lúa 2 vụ chỉ cho thu hoạch 7-8 tạ/1.000m2/vụ thì củ năng cho thu hoạch trung bình gần 3 tấn/1.000m2/năm. Với giá trung bình 10.000 đồng/kg (đầu mùa củ năng có thể đạt 25.000 - 30.000 đồng/kg), mang lại doanh thu cho bà con gần 30 triệu đồng đồng/sào/năm. Củ năng không chỉ giúp cho nhiều hộ dân đồng bào xây được nhà mới và sắm sửa nhiều vật dụng trong nhà, con cái được đến trường, đời sống không còn phải lo đến cái đói và thiếu thốn như xưa nữa mà còn phù hợp với tập tính canh tác, sinh hoạt của người đồng bào, ngày nào ra đồng “đào năng” cũng có tiền trang trải cuộc sống như ma, chay, cưới, hỏi,... không phải vay mượn hàng xóm xung quanh nên rất phù hợp.

Cần chuỗi liên kết sản xuất - HTX Củ năng Pró thành lập

Thu nhập tăng lên vượt trội, nhưng người nông dân trồng củ năng vẫn đang rất cần những mô hình liên kết thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ ổn định, lâu dài. Trong những năm qua, toàn xã Pró chỉ có một điểm thu mua củ năng với số lượng còn hạn chế, giá cả còn bấp bênh và chủ yếu xuất cho các chợ đầu mối ở thành phố Hồ Chí Minh. Do chỉ có một điểm thu mua nên hiện tượng ép giá thường xuyên xảy ra, việc “bán đám” cũng đã gặp tình trạng tương tự. Vào thời điểm xuống giống (tháng 3-4), thương lái đến đặt vấn đề ứng trước vốn cho nông dân. Do thiếu những ràng buộc chặt chẽ và không có hợp đồng, nên người nông dân thường chịu thiệt thòi về giá, độ khô và ướt, tiêu chuẩn chất lượng… của củ năng mà thương lái thường đưa ra để cấn - trừ khi thu hoạch.

Từ thực tế này, Hợp tác xã Củ năng Pró đã được thành lập cuối năm 2019, với 7 thành viên. Khi tham gia vào HTX, các thành viên tự nguyện góp vốn, có nhu cầu và tự nguyện tham gia. Ông Tôn Trung Sơn - Giám đốc HTX chia sẻ, sau khi thành lập, HTX đã liên kết sản xuất với 40 hộ dân trên địa bàn, trong đó, người ít thì có 4.000 – 5.000m2 trồng củ năng, người nhiều thì 2 - 3 ha. “Mục tiêu của HTX là thực hiện và cung cấp các dịch vụ nông nghiệp cho các thành viên để sản xuất củ năng và chủ động trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”. Tuy nhiên, hiện nay HTX vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tìm đối tác, xúc tiến thương mại để tạo sự liên kết bền vững. Vì thế, trong thời gian tới, HTX sẽ cử thành viên về các chợ đầu mối tại thành phố Hồ Chí Minh để tìm kiếm thị trường, giới thiệu sản phẩm để nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm củ năng Pró - Đơn Dương.

Tiềm năng phát triển sản phẩm hữu cơ

Củ năng đã phát triển tại địa phương xã Pró đã từ rất lâu. Theo một số người dân ở đây cho biết, củ năng rất dễ phát triển theo hướng hữu cơ, bởi căn bản củ năng đã là sản phẩm hữu cơ. Từ khi trồng đến khi thu hoạch quan trọng nhất là phân bón lót cho củ năng lúc ban đầu trước khi xuống giống. Phân bón lót mà người dân chuyên dùng là phân bò hoai mục được người dân tự ủ hoặc nhập ở miền Tây. Trong quá trình sinh trưởng, không phát hiện có sâu bệnh gây hại nên hầu như trên ruộng không phải bơm thuốc hóa học. Mặt khác, củ năng rất “mẫn cảm” với thuốc trừ cỏ, chỉ cần một lượng nhỏ củ năng sẽ chết, không thể phát triển thành củ.

Trồng củ năng chỉ cần làm đất cho tơi xốp, gieo củ thẳng hàng, làm cỏ, sau 4 tháng trồng là có thể thu hoạch. Củ năng sống khỏe trong đất, khi nào cần thu hoạch, nông hộ mới dẫn nước vào ruộng để đào củ lên. Củ năng có thể để giống trồng cho vụ mùa sau, nên hộ nông dân nào khéo tính toán có thể thu nhập hàng trăm triệu đồng. Trồng củ năng lợi nhuận gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa, lại ít tốn công chăm sóc. Từ khi HTX Củ năng Pró thành lập, các thành viên trong HTX đã tuyên truyền, vận động gia đình và các hộ dân trồng củ năng xung quanh không sử dụng phân bón hóa học mà chỉ sử dụng phân chuồng hoai mục, phân bón hữu cơ (phân bướm) để tạo ra sản phẩm củ năng hữu cơ hoàn toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Có thể nói, với sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhiều bà con vùng đồng bào dân tộc xã Pró đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn đầu tư vốn để đa dạng hóa cây trồng, nâng cao được hiệu quả sử dụng đất và tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Trong thời gian tới, bà con vùng đồng bào dân tộc nơi đây rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành có liên quan nhằm giới thiệu sản phẩm, tạo sự liên kết, xây dựng mạng lưới gắn kết giữa người sản xuất với các đơn vị phân phối, bán lẻ, tạo cơ hội ký hợp đồng mua bán sản phẩm củ năng, tiến tới xây dựng thương hiệu củ năng hữu cơ của xã Pró - Đơn Dương, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới kiểu mẫu, sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo đề án của huyện Đơn Dương đã được phê duyệt./.

Văn Thọ - TTKN Lâm Đồng