Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thường Tín: 28/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Đến nay, 28/28 xã trên địa bàn huyện Thường Tín đã được thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới được Hội đồng Thẩm định thành phố đánh giá đạt chuẩn theo quy định tại Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ.



UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Huyện tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí các xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), duy trì các tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM, tiến tới xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, xây dựng NTM gắn với phát triển đô thị và bảo vệ môi trường.

Trong công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, cách làm trong xây dựng NTM; qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM, vận động người dân tích cực tham gia thực hiện các nội dung nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM. Đa dạng hóa về hình thức, nội dung tuyên truyền; nội dung tuyên truyền phải gắn với hình ảnh, kết quả đạt được, những kinh nghiệm tốt, cách làm hay ở các địa phương, đơn vị để nhân ra diện rộng.

Huyện Thường Tín phải coi công tác vận động, tuyên truyền xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, Mặt trận và các hội, đoàn thể từ huyện đến cơ sở. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình trong phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM.

Huyện Thường Tín cần tiếp tục tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng NTM theo hướng nâng cao, kiểu mẫu, gắn với quy hoạch. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM, trong đó, ưu tiên nguồn lực cho phát triển sản xuất. Đồng thời, phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội để đáp ứng được yêu cầu sản xuất, đời sống hiện đại hóa và phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn.

Nâng cao tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn theo quy định, phấn đấu hết năm 2020, 100% các hộ dân được sử dụng nước sạch. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả các giải pháp về xử lý ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi, làng nghề trên địa bàn huyện đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường. Nhân rộng mô hình thu gom rác thải hoạt động có hiệu quả tại các cộng đồng dân cư; tăng tỷ lệ chất thải rắn và lượng bao bì, chai lọ nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện được thu gom, xử lý theo đúng quy định. Các công trình công cộng trên địa bàn huyện có cảnh quan môi trường sáng, xanh - sạch - đẹp, an toàn.

Bên cạnh nâng cao chất lượng hoạt động và đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn, huyện tiếp tục nâng cao tỷ lệ xã, tỷ lệ thôn đạt tiêu chuẩn văn hóa theo quy định. Đẩy mạnh bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa của từng dân tộc, vùng, miền, phát huy lợi thế để phát triển kinh tế du lịch...

UBND Thành phố cũng yêu cầu huyện Thường Tín nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; củng cố, hoàn thiện, nâng cấp các vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, đảm bảo quy mô lớn cấp huyện và liên xã; tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tiếp tục chỉ đạo nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực của huyện. Tổ chức sản xuất tốt theo hướng trang trại, hợp tác xã; gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch trải nghiệm, dịch vụ theo chuỗi giá trị.

Đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong hầu hết các khâu của quy trình sản xuất; thực hành sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn chứng nhận sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn chứng nhận được khuyến khích. Rà soát, lựa chọn, phát triển hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, du lịch, dịch vụ trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thân thiện với môi trường và phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương; thu hút các loại hình doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn; lựa chọn, phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có lợi thế cạnh tranh gắn với thị trường và đảm bảo thân thiện với môi trường.

Huyện Thường Tín phấn đấu thu nhập bình quân hằng năm của người dân nông thôn trên địa bàn phải cao hơn tối thiểu 1,2 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn hằng năm của thành phố.. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều bình quân ở các xã trên địa bàn huyện hằng năm giảm tối thiểu 0,5 lần so với mức quy định (trừ các trường hợp thuộc diện bảo trợ xã hội theo quy định, hoặc do tai nạn rủi ro bất khả kháng hoặc do bệnh hiểm nghèo).

 Trên cơ sở kết quả thực hiện, đối chiếu các quy định của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản quy định liên quan, UBND thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT tổ chức thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận huyện Thường Tín đạt chuẩn NTM năm 2019./.

 NT (Theo Chinhphu.vn)