Theo đó, Sở NN&PTNT có trách nhiệm tổ chức thực hiện củng cố, kiện toàn Chi cục Thủy lợi thông qua tăng cường nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị làm việc, tạo điều kiện cho Chi cục Thủy lợi thực hiện tốt chức năng tham mưu quản lý nhà nước về công tác thủy lợi; tổ chức điều tra, rà soát, đánh giá lại năng lực, hiệu quả khai thác của các công trình thủy lợi trên địa bàn, trên cơ sở đó, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan đề xuất kế hoạch đầu tư, sửa chữa nâng cấp, bảo đảm an toàn, từng bước hiện đại hóa nhằm phát huy hiệu quả công trình thủy lợi, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả…
Trên cơ sở kết quả thực hiện năm 2020, Sở NN&PTNT chủ trì tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm phương thức lựa chọn nhà thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trên địa bàn thành phố; tham mưu, trình UBND thành phố phương án cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội theo quy định… Đồng thời, tham mưu, chỉ đạo các tổ chức khai thác đập, hồ chứa nước thủy lợi thực hiện đúng thời hạn các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; tham mưu, chỉ đạo tăng cường thực hiện nghiêm pháp luật trong bảo vệ công trình, bảo vệ chất lượng nước trong các công trình thủy lợi…
Các doanh nghiệp thủy lợi thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nội dung theo quy định; báo cáo UBND thành phố kế hoạch, tiến độ và bảo đảm kinh phí thực hiện các nội dung theo quy định; chủ động đổi mới, kiện toàn tổ chức hoạt động, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu năng lực theo quy định; nâng cao năng suất lao động để giảm định biên con người, đầu mối tổ chức; tăng cường thực hiện cơ chế khoán trong công tác quản lý, khai thác, bảo vệ công trình để tiết kiệm điện, nước, nhân công và các chi phí khác, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và có điều kiện nâng cao thu nhập cho cá nhân, đơn vị; thực hiện chuyển dịch, mở rộng đối tượng phục vụ của công trình thủy lợi, tăng cường khai thác đa mục tiêu để nâng cao hiệu quả công trình…
Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi để ngăn chặn, xử lý hoặc trình các cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định; điều tra, nắm rõ các nguồn thải vào công trình thủy lợi, kiên quyết ngăn chặn, báo cáo cấp có thẩm quyền xử phạt việc xả nước thải trái phép vào công trình thủy lợi. Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ, từng bước hiện đại hóa công tác quản lý, khai thác; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, ứng phó hạn hán, thiếu nước, lũ, ngập lụt, úng; bảo đảm an toàn công trình, phục vụ sản xuất, dân sinh an toàn, hiệu quả, tiết kiệm nước; thực hiện các biện pháp kỹ thuật tưới, tiêu khoa học…/.
Theo Cổng GTĐT Hà Nội