Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) Nguyễn Văn Hào, với diện tích 33,5 ha sản xuất rau an toàn, bảo đảm đạt chất lượng theo quy định, để tiêu thụ sản phẩm, Hợp tác xã đã liên kết với hàng chục doanh nghiệp, cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố, trung bình mỗi ngày cung cấp 12-15 tấn rau. Vào những ngày cận Tết Nguyên đán, tùy nhu cầu khách hàng, số lượng có thể tăng 10% trở lên...
Còn theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ, trung bình mỗi tháng, đơn vị cung ứng cho thị trường 150 tấn thành phẩm thịt lợn, gà, vịt và sản phẩm chế biến. Tuy nhiên, vào tháng cận Tết Nguyên đán, công ty dự kiến lượng sản phẩm bán ra gấp 2 - 2,5 lần so với các tháng trong năm. Để có sản phẩm thịt gia súc, gia cầm bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng, công ty đã liên kết với hơn 300 trại chăn nuôi lợn, gà, vịt trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận nhằm ổn định nguồn cung thực phẩm.
Hiện nay, ngoài lượng lớn nông sản, thực phẩm được tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với 43 tỉnh, thành phố duy trì và hỗ trợ phát triển 946 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho Thủ đô. Về phía Hà Nội, đến nay, thành phố tiếp tục xây dựng và duy trì 159 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản, tăng 18 chuỗi so với cùng kỳ năm 2021 với gần 700 điểm bán hàng. Các chuỗi này đang được vận hành hiệu quả, bảo đảm cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, việc hình thành các chuỗi đã hỗ trợ hợp tác xã, nông dân đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh phân phối hiện đại, đặc biệt là những sản phẩm tiêu thụ mạnh trong dịp Tết như: Thịt lợn, thịt gà, rau, quả…
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội còn chủ động phối hợp với Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố tổ chức nhiều hoạt động kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố, giúp người tiêu dùng Thủ đô tiếp cận với nhiều đặc sản vùng miền bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm.
Hiện nay, các doanh nghiệp và hợp tác xã đang đẩy mạnh ký kết tiêu thụ nông sản vụ Tết. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn khó khăn do việc liên kết giữa các doanh nghiệp với người sản xuất còn lỏng lẻo dẫn tới tình trạng phá hợp đồng thường xuyên xảy ra. Mặt khác, hạ tầng thương mại chưa phát triển đồng bộ, nhất là tại vùng ngoại thành, cơ sở hạ tầng của nhiều chợ đã xuống cấp nên khó khăn cho công tác phục vụ tiêu dùng thực phẩm.
Để nông sản, thực phẩm tiêu thụ ổn định trong dịp Tết, bảo đảm quyền lợi giữa các bên, theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu, các địa phương cần hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung để doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã, ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản, đặc biệt là phục vụ thị trường Tết với giá ổn định.
Còn theo Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, Sở đã phối hợp với các sở, ngành liên quan cùng doanh nghiệp cân đối nguồn hàng dịp cuối năm; đặc biệt, hầu hết các hợp tác xã đã có liên kết với doanh nghiệp, thương lái bao tiêu sản phẩm trong dịp Tết. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng phối hợp với các địa phương lân cận để kết nối, xúc tiến thu mua lượng nông sản, thực phẩm còn thiếu hụt so với nhu cầu tiêu dùng của Thủ đô...
Về lĩnh vực này, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp & PTNT) Lê Thanh Hòa cho biết, Cục đang phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng theo dõi biến động thị trường, nhất là nguồn cung và giá cả mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu (thịt lợn, thịt gà, gạo...) bảo đảm nhu cầu trong nước, cân đối cung - cầu dịp Tết Nguyên đán Quý Mão. Cùng với đó, Cục tăng cường triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ nông sản chính vụ (na, sầu riêng, xoài, thanh long...) và thịt gia súc, gia cầm…/.
NT (Theo Báo HNM)