Tăng năng suất, tiết giảm chi phí
Vụ xuân năm 2024, xã Thạch Đà (huyện Mê Linh) có 10,5ha lúa sử dụng máy cấy mạ khay, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái. Hiện cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh Nguyễn Thị Chinh, việc sử dụng máy cấy giúp tăng 40% năng suất và giảm 30% chi phí so với phương pháp cấy lúa truyền thống (bằng tay).
Tương tự, huyện Thạch Thất cũng đẩy mạnh việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Trần Đức Thanh, vụ xuân năm 2024, huyện hỗ trợ 50% kinh phí cho hợp tác xã nông nghiệp các xã Đại Đồng, Hương Ngải, Dị Nậu, Thạch Xá, Hạ Bằng… mua 6 máy cấy bằng nguồn kinh phí cấp bổ sung của thành phố để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, số diện tích gieo cấy vụ xuân 2024 bằng máy lên tới 388 ha, tăng 154 ha so với vụ xuân năm trước.
Bà Nguyễn Thị Nụ ở xã Nam Phong (huyện Phú Xuyên) chia sẻ, vụ xuân năm nay gia đình bà cấy hơn 7 mẫu lúa. Nhờ việc cơ giới hóa từ khâu làm đất, cấy máy, gặt máy, đến phun thuốc bảo vệ thực vật nên gia đình bà bớt vất vả hơn những năm trước. Do có nhiều thời gian nông nhàn nên người dân có thể làm thêm các nghề phụ, giúp nâng cao thu nhập cho gia đình.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, toàn thành phố có 5.676 máy làm đất, 990 máy phun thuốc bảo vệ thực vật, 877 máy gặt đập liên hợp... “Lúa được sản xuất theo mô hình cơ giới hóa đồng bộ, không chỉ tăng năng suất, mà còn giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm giống, thuốc bảo vệ thực vật, giảm tổn thất sau thu hoạch khoảng 2 - 3%, bảo đảm tính thời vụ”, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết.
Tiếp tục hỗ trợ và nhân rộng
Hiệu quả đã rõ, song việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn gặp không ít khó khăn. Nông dân khó tiếp cận với máy móc hiện đại do trong nước chưa có nhiều doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị nông nghiệp, chủ yếu là hàng nhập khẩu từ nước ngoài nên giá bán cao. Ngoài ra, do sản xuất nông nghiệp phụ thuộc lớn vào thiên nhiên, mang tính rủi ro cao, nên chưa thu hút được các hộ cá nhân tham gia vào quá trình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp…
Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Hòa (huyện Quốc Oai) Hoàng Văn Quỳ, với tình hình thực tế như hiện nay, các địa phương rất cần được hỗ trợ thành lập trung tâm sản xuất mạ khay đồng bộ ở tất cả các khâu; tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu cho nông dân sử dụng máy móc, thiết bị, cách sửa chữa máy cấy... Cùng với đó, hỗ trợ các hợp tác xã trong giải quyết thủ tục hành chính để được hưởng chính sách tại Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 của HĐND thành phố Hà Nội quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội.
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung cơ bản được cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ. Cụ thể, cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 100%, khâu gieo cấy 15%, khâu chăm sóc 60%, khâu thu hoạch 95%... Để hoàn thành mục tiêu này, thành phố Hà Nội hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân 100% phí quản lý khi mua các loại máy, thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp thông qua hợp đồng vay vốn của Quỹ Khuyến nông thành phố và 100% lãi suất vay theo hợp đồng vay vốn...
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp & PTNT) Lê Quốc Thanh cho rằng, thành phố Hà Nội cần tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp với máy móc, thiết bị cơ giới hóa. Cùng với đó, phát triển công nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị, công nghệ và công nghiệp hỗ trợ cho cơ giới hóa nông nghiệp... Có như vậy chương trình cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp mới thành công và hạn chế được những rủi ro trong sản xuất./.
TA (Theo Báo HNM)