Đoàn công tác đã đi thăm mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của Công ty CP Đầu tư và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam. Đây là một trong những dự án nông nghiệp công nghệ cao thu hút doanh nghiệp thông qua chính sách tích tụ ruộng đất của tỉnh Hà Nam. Doanh nghiệp đã đầu tư trên 100 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, khu sản xuất, khu bảo quản, chế biến, hệ thống công trình thủy lợi,…Dưa lưới ở đây được sản xuất đạt tiêu chuẩn Global GAP và tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản và Châu Âu. Quy trình sản xuất khép kín, năng suất đạt 30 tấn/ha/vụ, giá bán từ 50 – 60 nghìn đồng/kg, giá trị sản xuất ước đạt 1,5 – 1,8 tỷ đồng/ha/vụ. Tạo công việc ổn định cho 20-30 lao động địa phương với thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/tháng.
Từ năm 2013, Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam đã chủ trương tích tụ ruộng đất để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất, theo đó, doanh nghiệp làm lõi, làm hạt nhân để nông dân làm theo quy trình sản xuất, đảm bảo sản phẩm phải sạch, an toàn, tham gia vào chuỗi,… Theo Kế hoạch số 1281/KH-UBND của UBND tỉnh Hà Nam về triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của tỉnh ủy Hà Nam về Đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, nông thôn Hà Nam giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035 đã thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu lấy khu nông nghiệp công nghệ cao là nòng cốt, doanh nghiệp làm hạt nhân, nền tảng, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Hình thức tích tụ ruộng đất để thu hút doanh nghiệp đầu từ vào nông nghiệp công nghệ cao được tỉnh Hà Nam thực hiện theo phương thức: Các hộ dân có đất nông nghiệp cho thuê quyền sử dụng đất để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, không thực hiện thu hồi, giải phóng mặt bằng, các hộ dân có đất cho thuê vẫn giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và có thu nhập cao hơn khi tự mình sản xuất; được ưu tiên có việc làm khi doanh nghiệp thuê lao động để có cuộc sống tốt hơn. UBND huyện và UBND xã đứng ra thuê và ký hợp đồng thuê quyền sử dụng đất với các hộ dân, sau đó UBND tỉnh ủy quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường cho doanh nghiệp thuê lại quyền sử dụng đất đúng bằng giá thuê đất của hộ dân để đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thời gian cho thuê quyền sử dụng đất ít nhất là 20 năm để doanh nghiệp có điều kiện đầu tư sản xuất. Giá thuê đất thống nhất chung trong toàn tỉnh là 150kg ngô/sào(bắc bộ)/năm (giá ngô được xác định theo thông báo giá của Sở Tài chính tỉnh tại thời điểm trả tiền. Các hộ dân có đất cho thuê có thể nhận tiền thuê đất hàng năm, 5 năm, 10 năm hay nhận tiền một lần 20 năm.
Cơ chế hỗ trợ thu hút đầu tư: Ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí lập quy hoạch tỷ lệ 1/2000 cho các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; UBND tỉnh ứng trước ngân sách để trả tiền thuê đất của các hộ dân, sau khi các doanh nghiệp ký kết hợp đồng thuê đất sẽ trả lại tiền thuê đất cho tỉnh làm 2 lần (mỗi lần 10 năm); Tỉnh Hà Nam cam kết hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng: thủy lợi, giao thông, điện và thông tin liên lạc đến chân hàng rào; Miễn tiền thuê đất 1 năm để cải tạo đất và miễn giảm thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp theo từng lộ trình để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Với phương thức và cơ chế trên, đến nay, tỉnh Hà Nam đã tích tụ được trên 400ha đất nông nghiệp và giao đất cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao làm mô hình điểm, vùng lõi, hạt nhân để các hộ nông dân, tổ hợp tác, Hợp tác xã (HTX) đến tham quan, học tập nhân rộng. Bên cạnh đó, việc thực hiện các dự án tại khu nông nghiệp công nghệ cao đã sử dụng nguồn lao động tại địa phương trong đó ưu tiên các hộ có đất cho thuê với thu nhập cao, góp phần ổn định xã hội ở nông thôn. Các dự án đều sản xuất quy mô tập trung, khép kín, sản phẩm sản xuất ra đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP,…
Kế hoạch đến hết năm 2019, tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục thực hiện, hoàn thiện các cơ chế hỗ trợ đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp như: tích tụ ruộng đất, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm sạch giá trị cao. Hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có quy mô lớn (khoảng 500ha); Khuyến khích các hộ dân, tổ hợp tác và HTX kiểu mới tích tụ để liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn. Phấn đấu năm 2019, toàn tỉnh có khoảng 1.500ha đất được tích tụ, bình quân mỗi xã thực hiện ít nhất 01 mô hình có quy mô từ 10ha trở lên sản xuất nông sản tham gia chuỗi giá trị, làm vệ tinh cho các doanh nghiệp có thương hiệu.
Tỉnh Hà Nam đã quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến 2035, bao gồm: Vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp huyện Lý Nhân và Bình Lục; Vùng nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái huyện Kim Bảng; Vùng nông nghiệp đô thị sinh thái TP. Phủ Lý. Hà Nam đã quy hoạch một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm: huyện Lý Nhân hai khu 358 ha; huyện Bình Lục một khu 121 ha; TP. Phủ Lý một khu 123 ha; huyện Thanh Liêm một khu chăn nuôi bò sữa tập trung 500 ha... |
Lưu Phượng