Khó chồng khó
Xã Liên Hà (huyện Đan Phượng) nổi tiếng với nghề đóng giường, tủ, bàn ghế cung cấp cho thị trường cả nước. Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hà Nguyễn Hữu Thinh cho biết, hiện xã có khoảng 600 hộ có xưởng sản xuất mộc, trải đều ở 4/4 thôn. Làng nghề đóng góp hơn 70% vào cơ cấu kinh tế địa phương, mang lại thu nhập bình quân hơn 70 triệu đồng/người/năm cho người dân. Nhờ làng nghề phát triển, Liên Hà đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2021.
Tuy nghề mộc rất phát triển, song trong các năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hộ sản xuất ở làng nghề cũng gặp không ít khó khăn trong sản xuất và lưu thông hàng hóa (thời điểm giãn cách xã hội).
Hiện nay, sản xuất trở lại bình thường nhưng giá nhiều loại nguyên liệu như gỗ, xăng dầu, sơn... lại tăng cao. Anh Nguyễn Ngọc Hà, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ nội thất Hà Sinh (đường Thống Nhất, xã Liên Hà) cho biết: "Gỗ sản xuất của chúng tôi chủ yếu là nhập khẩu. Từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu tăng cao. Ví như gỗ gõ (nguyên liệu chính để đóng bàn ghế, giường tủ) thời điểm năm 2021 chỉ 28 triệu đồng/m3 thì đến nay đã tăng lên 40 triệu đồng/m3 (tăng gần 43%). Bên cạnh đó, giá xăng, sơn và các phụ kiện để hoàn thiện sản phẩm cũng tăng khoảng 15%... Việc nâng giá bán rất khó nên sản xuất của chúng tôi thời gian này gần như không có lợi nhuận".
Không chỉ khó khăn về nguyên vật liệu, điểm sản xuất tập trung hay thị trường tiêu thụ sản phẩm... cũng là mong mỏi của rất nhiều hộ sản xuất tại các làng nghề.
Tại huyện Chương Mỹ, Phó Trưởng phòng Kinh tế Nguyễn Văn Cường cho biết, trên địa bàn huyện có 35 làng nghề được công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, đến nay, đã có 10 làng nghề bị mai một như: Thêu, nón lá, mây tre đan... Nguyên nhân chủ yếu do thị trường tiêu thụ khó khăn, thu nhập của người làm nghề thấp nên lao động bỏ nghề, chuyển sang các nghề khác.
Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, cho biết, trước đây, toàn thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Tuy nhiên, cuối năm 2021, qua rà soát, chỉ còn 806 làng, giảm 544 làng. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều làng nghề đình trệ, đặc biệt là các làng nghề có sản phẩm xuất khẩu và gắn với du lịch. Hiện nay, hầu hết cơ sở sản xuất đang đối mặt với nhiều khó khăn, từ nguồn nguyên liệu đầu vào, nhân lực, nguồn vốn, đến cả đầu ra cho sản phẩm.
Thêm trợ giúp cho các làng nghề
Trong khó khăn, nhiều làng nghề mong muốn được thành phố hỗ trợ xây dựng trung tâm trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm; xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; giảm thuế để giảm giá xăng dầu, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, cũng cần hỗ trợ hộ làm nghề vay vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng sản xuất; quan tâm các dự án xử lý ô nhiễm môi trường, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật làng nghề...
Trước những khó khăn trên, các hộ sản xuất ở các làng nghề đang nỗ lực duy trì sản xuất, "giữ chân" khách hàng. Anh Nguyễn Ngọc Hà, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ nội thất Hà Sinh cho biết: "Hiện gia đình có mạng lưới khách hàng là các đại lý bán sản phẩm ở rất nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Mặc dù giá nguyên vật liệu tăng cao, song cơ sở vẫn chưa tăng giá bán sản phẩm. Chúng tôi chấp nhận lợi nhuận thấp hoặc không có lợi nhuận trong thời gian này để giữ thị trường; đồng thời, sử dụng tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu để giảm chi phí sản xuất".
Tại huyện Phú Xuyên, toàn huyện có 42 làng nghề đang hoạt động với 965 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tháo gỡ khó khăn về môi trường làng nghề, UBND các xã, thị trấn đã thành lập các tổ tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề và lập phương án bảo vệ môi trường làng nghề; UBND huyện đã phê duyệt phương án bảo vệ môi trường 42 làng nghề trên địa bàn huyện; tỷ lệ các cơ sở làng nghề thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường đạt 87%.
Để hỗ trợ các làng nghề, huyện Chương Mỹ đã xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, mỗi năm, huyện đều xây dựng kế hoạch để hỗ trợ các làng nghề riêng.
Năm 2022, theo kế hoạch, huyện sẽ hỗ trợ từ 5 đến 7 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn cải tiến máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ tập huấn bảo tồn và phát triển làng nghề; hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động. Đặc biệt, huyện tập trung hỗ trợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm và đưa sản phẩm làng nghề lên sàn thương mại điện tử.
Mới đây, huyện Chương Mỹ đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội (HPA) tổ chức lễ khai mạc chương trình "Festival nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội 2022" - đây là hoạt động thiết thực giúp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề của huyện.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, năm 2022, thành phố đã ban hành Kế hoạch số 121/KH-UBND về hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn thành phố Hà Nội.
Theo đó, thành phố hỗ trợ 10 làng nghề xây dựng thương hiệu, xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể; đánh giá tác động môi trường cho 10 làng nghề đã được công nhận hoặc đang làm thủ tục để được công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống; tổ chức 50 lớp tập huấn chính sách khuyến khích ngành nghề nông thôn và nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho làng nghề.
Đồng thời, UBND thành phố cũng giao các sở, ngành liên quan theo chức năng nhiệm vụ được phân công hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các làng nghề về hoàn thiện chính sách phát triển làng nghề nông thôn, đào tạo nghề, bảo vệ môi trường, xúc tiến thương mại, kết nối làng nghề với phát triển du lịch. Những hoạt động thiết thực này sẽ giúp các làng nghề vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất và phát triển./.
TX (Theo Báo HNM)