Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm Chu Anh Tuấn cho biết, thời gian qua, toàn huyện đã xây dựng được 67 “Cánh đồng sạch”, 256 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường; vận động 86.800 lượt hội viên ký bản cam kết sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản, thực phẩm an toàn; tổ chức 248 lớp tập huấn cho 27.914 lượt hội viên về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Trong thời gian tới, huyện Gia Lâm sẽ có thêm nhiều “Cánh đồng sạch”, “Tuyến đường nông dân kiểu mẫu”… góp phần làm xanh, sạch, đẹp làng quê.
Tại huyện Ứng Hòa, nhờ cuộc vận động đi vào cuộc sống mà việc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực. Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi, chỉ riêng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng của xã đã giảm tới trên 80%. Đối với chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nông dân trên địa bàn đều cam kết và thực hiện nghiêm túc việc không sử dụng chất cấm, thay vào đó là sử dụng chế phẩm sinh học, áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn.
Đặc biệt, những năm gần đây, nông dân Ứng Hòa đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ nhờ thay đổi tư duy hướng tới sản xuất sạch, an toàn. Nhờ vậy, những cánh đồng lúa sạch ở địa phương, tôm, cua xuất hiện trở lại ngày càng nhiều.
Theo đánh giá của Hội Nông dân TP Hà Nội, phong trào sản xuất sạch và xây dựng cuộc sống xanh đã thúc đẩy nông dân Thủ đô áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tự nhiên, cải thiện chất lượng và tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn; giảm lượng chất thải gây ô nhiễm.
Song, để cuộc vận động đạt kết quả tốt hơn nữa, các cấp, ngành chức năng cần tăng cường hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho nông dân. Đặc biệt, nhằm thúc đẩy người nông dân canh tác có trách nhiệm với môi trường, cam kết chỉ bán nông sản an toàn ra thị trường, các cấp, ngành cần có thêm chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng hệ thống hạ tầng nông nghiệp…
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Lê Thị Thanh Nhàn cho biết, chỉ tính riêng 5 tháng năm 2023, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức được 283 buổi tuyên truyền cho hơn 36.700 lượt hội viên nông dân về tiêu chuẩn nông nghiệp an toàn, vệ sinh, an toàn thực phẩm; vận động 930.718 hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh đăng ký, cam kết bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Trong thời gian tới, Hội Nông dân TP sẽ mở thêm nhiều lớp tập huấn, đào tạo về sản xuất nông nghiệp an toàn cho nông dân. Đồng thời, phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tham mưu UBND TP có chính sách hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho nông dân, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp Thủ đô./.
TA (Theo Báo KTĐT)