Cả làng hiện có khoảng 200 hộ làm bánh chưng quanh năm. Ngày thường, mỗi gia đình làm từ 200 – 300 chiếc bánh nhưng vào những ngày cận Tết, năng suất tăng lên gấp hàng chục lần. Nguyên liệu để làm bánh chưng được lựa chọn kỹ lưỡng, lá dong phải chọn lá bánh tẻ tươi, xanh, rửa sạch, lau khô trước khi gói, gạo nếp phải là loại nếp cái hoa vàng, được nhập từ những quê gạo nổi tiếng như Thái Bình, Nam Định, Hải Dương… Thịt lợn phải là thịt ba chỉ tươi, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Quan trọng nhất là trong quá trình sơ chế phải giữ cho nguyên liệu được sạch sẽ và giữ được độ tươi ngon của thực phẩm. Trong khâu gói bánh cần tỉ mỉ, khéo léo để tạo nên những chiếc bánh vuông vắn, đẹp mắt. Điều đặc biệt trong cách gói ở nơi đây là người thợ chỉ gói bằng tay chứ không gói theo khuôn. Bởi theo kinh nghiệm của họ, bánh được gói bằng tay sẽ chặt và ăn có vị đậm đà hơn. Bánh chưng thành phẩm phải giữ được màu xanh của lá dong, khi cắt khoanh bánh ra hạt gạo phải dền, bánh có mùi thơm.
Xác định nghề làm bánh chưng là nghề mang lại thu nhập chính cho cả làng, mỗi hộ sản xuất ở Tranh Khúc luôn tự ý thức nâng cao chất lượng sản phẩm để đảm bảo uy tín làng nghề. Hiện nay, ở Tranh Khúc, người dân đã cải tiến một số công đoạn trong chế biến bánh chưng như: Chuyển từ luộc bánh bằng củi khô sang luộc bằng nồi hơi hoặc nồi điện. Việc sử dụng nồi điện vừa giải phóng sức lao động lại giúp không khí của cả làng tránh được ô nhiễm như đun than, đun củi trước kia. Bên cạnh đó, chất lượng bánh vẫn đảm bảo, bánh cũng được sạch sẽ hơn. Để bảo quản sản phẩm được lâu hơn, phục vụ cho những đơn hàng xuất vào siêu thị hoặc xuất đi nước ngoài, người thợ đã sử dụng công nghệ hút chân không. Bánh sau khi được hút chân không sẽ kéo dài thời gian bảo quản từ 10 – 15 ngày.
Hiện nay, bánh chưng của làng Tranh Khúc đã được cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, cấp logo, mã vạch riêng, vì vậy khách hàng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Từ đó sản phẩm của làng tạo thêm được niềm tin với người tiêu dùng. Các cơ quan chức năng của huyện, xã thường xuyên kiểm soát đầu vào nguyên liệu, hàng năm tập huấn về an toàn thực phẩm, tổ chức khám sức khỏe cho thợ làm bánh.
Tuy nhiên, làng nghề này vẫn đang tồn tại một số khó khăn như đầu vào nguyên liệu tăng cao, nguồn lá dong khan hiếm, trong khi giá thành sản phẩm không tăng nhiều. Bên cạnh đó, nguồn điện không ổn định nên ảnh hưởng tới việc sản xuất của người dân. Vì vậy, trong thời gian tới, để làng nghề phát triển hơn nữa, khai thác hết tiềm năng thì rất cần sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành./.
TT (Nguồn Báo KTĐT)