Skip Ribbon Commands
Skip to main content

(Ngày 12/07/2018)

Thành phố Hồ Chí Minh: Làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp

Vốn là con nhà nông chính hiệu trên mảnh đất thép thần đồng - Củ Chi nên không ngạc nhiên khi nói rằng trong ông luôn có sự ham học, ham làm với tinh thần vững chắc vốn có của vùng đất anh hùng này.



Không những vậy, ông còn luôn hăng say sản xuất, nhạy bén với ngành nghề để tạo dựng cho mình một cơ ngơi khấm khá và đã trở thành nông dân sản xuất giỏi của địa phương. Không những vậy, hiện ông còn là một khuyến nông viên nhiệt tình của Trạm Khuyến nông huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh - người khuyến nông viên ấy chính là ông Nguyễn Văn Khúc (xã Phú Hoà Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM).

Ông kể, gia đình ông có mấy đời làm nông ở đất Củ Chi, nên đến đời mình ông cũng tiếp nối với nghề cùng đủ hình thức như: nuôi heo, bò, trồng cây ăn trái (bưởi, dừa dứa), trồng hoa lan, thậm chí ông còn trồng cỏ để nuôi bò sữa,…

“Nghề nào cũng vậy, chỉ cần chăm chỉ, siêng năng, tích cực sản xuất thì kết quả sẽ luôn mỉm cười với mình” – ông cho biết.

Nghe kể là vậy, nhưng khi được tận mắt tham quan mô hình của ông mới thấy hết sự hăng say, nhiệt huyết mà ông đã làm.

Về đàn heo, với tổng đàn 80 con, trong đó có 9 nái để gây đàn, ngoài việc cho ăn từ nguồn thức ăn như thực phẩm, xác mì, rau muống,… dành cho đàn heo, ông còn tận dụng nguồn phế phẩm có sẵn ở nhà như bán tránh vụn (của lò bánh do con gái ông tráng) để trộn vô thức ăn hàng ngày, giúp tiết kiệm chi phí khi nuôi.

Về đàn bò, có 20 con bò thịt và 4 con cái Sind. Để giảm chi phí thức ăn, ông đã trồng thêm nhiều loài cỏ bổ sung vào khẩu phần ăn của bò như cỏ voi, cỏ sả,…

Về trồng trọt, ông tận dụng 500mđất xung quanh nhà trồng lan Mokara và Dendrobium, mỗi tháng thu nhập từ nguồn hoa lan gần 2,5 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, ông còn trồng 3.000mbưởi da xanh và 4.000m2 dừa dứa,…

Chia sẻ về mô hình tổng hợp của mình, ông Khúc cho biết, ban đầu gia đình sản xuất theo kinh nghiệm có sẵn của mấy đời làm nông, nhưng thời gian sau này nghề nông gặp nhiều bấp bênh vì diễn biến về điều kiện khí hậu thời tiết ngày càng phức tạp, cộng với giá cả thị trường không ổn định, nên sản phẩm nông nghiệp của gia đình làm ra không tránh khỏi khó khăn về sản lượng cũng như giá cả. Nhưng bằng ý chí, nghị lực ông không ngừng học hỏi và áp dụng kỹ thuật từ báo, đài, từ những hộ đi trước và đặc biệt là từ cán bộ kỹ thuật khuyến nông thông qua các lớp tập huấn, hội thảo về các chuyên đề nông nghiệp nuôi heo, bò, trồng lan, bưởi,… Tất cả những điều đó đã giúp mô hình của ông từng bước đạt kết quả tốt.

Đặc biệt, từ năm 2004 đến nay ông được bầu chọn là cộng tác viên khuyến nông của xã. Nhờ đó, ông có nhiều cơ hội được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trên lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt; được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia, đồng nghiệp… đã giúp ông có điều kiện để tích lũy kinh nghiệm hay cho bản thân và vận dụng vào thực tiễn chăn nuôi, trồng trọt của gia đình. Với mô hình kinh tế tổng hợp trên, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông dư được hơn 150 triệu đồng/năm.

Là một hộ nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền, cộng với thời gian gần 14 năm là cộng tác viên khuyến nông và là một trong những khuyến nông viên nhiệt tình trong công tác nên với ông việc giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với các hộ khó khăn là việc cần và nên làm.

“Được giúp đỡ những hộ làm nông như mình có cách làm hay, phù hợp với địa phương với nhu cầu thực tiễn, là công việc tôi thích nhất, để giúp những hộ nông dân như mình có cơ hội phát triển sản xuất, tạo dựng kinh tế gia đình ổn định hơn, góp phần phát triển nông nghiệp huyện nhà và thành phố ngày càng bền vững trong thời kỳ mới” – ông Khúc tâm sự./.

TT (Nguồn TTKNQG)