Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thanh Oai thúc đẩy tiêu thụ nhiều sản phẩm OCOP

Những năm qua, ngoài phát triển các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) tại làng nghề, huyện Thanh Oai còn tập trung phát triển sản phẩm OCOP tại các hợp tác xã.



Từ chương trình này, nhiều sản phẩm của các hợp tác xã đạt 3 sao, 4 sao OCOP, được quảng bá, kết nối thúc đẩy tiêu thụ.

Một trong những sản phẩm OCOP đặc trưng của Thanh Oai là sản phẩm thịt lợn chế biến của Hợp tác xã Hoàng Long (xã Tân Ước). Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long Nguyễn Trọng Long cho hay, khi Chương trình OCOP được triển khai, hợp tác xã đã đăng ký tham gia chương trình. Năm 2022, một số sản phẩm thịt lợn chế biến của hợp tác xã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

“Sau khi tham gia chương trình OCOP, công tác xúc tiến thương mại của hợp tác xã được đẩy mạnh, tham dự nhiều hội chợ, sản phẩm được giới thiệu trên một số trang thương mại điện tử, giúp sức tiêu thụ tăng gấp 2 lần so với trước đó”, ông Nguyễn Trọng Long chia sẻ.

Tương tự, Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (xã Tam Hưng) vốn nổi tiếng với 2 sản phẩm gạo chất lượng cao là Nếp cái hoa vàng và Bắc thơm số 7.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng Đỗ Văn Kiên thông tin, từ năm 2012, hợp tác xã đã tham gia chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao của Hà Nội. Hằng năm, hợp tác xã cung ứng ra thị trường khoảng 7.000-7.500 tấn lúa chất lượng cao. Sản phẩm gạo của Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng áp dụng mô hình trồng lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP. Điểm khác biệt để làm nên thương hiệu gạo Tam Hưng là nhờ chất đất nông nghiệp vùng trũng, giàu dinh dưỡng, hạt lúa sau khi gieo trồng mẩy và vàng hơn, cơm ngon hơn. Đặc biệt, giống gạo nếp khi nấu xôi có màu trắng, mịn, thơm...

Năm 2021, khi tham gia Chương trình OCOP của huyện, hợp tác xã có 2 sản phẩm gạo Nếp cái hoa vàng và Bắc thơm số 7 đạt OCOP 4 sao. Từ khi tham gia chương trình, công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm của hợp tác xã được thành phố và huyện hỗ trợ rất lớn, sức tiêu thụ từ đó cũng tăng cao. Hợp tác xã đang làm hồ sơ tham gia đánh giá sản phẩm OCOP đối với sản phẩm gạo Japonica, gạo Đài thơm số 8, Bắc hương số 9 và một số sản phẩm khác nhằm đa dạng hơn nữa sản phẩm gạo chất lượng cao của địa phương.

Về Chương trình OCOP của huyện Thanh Oai, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, huyện đã xây dựng, phát triển 57 sản phẩm OCOP và đã được đánh giá, phân hạng 52 sản phẩm 4 sao, 5 sản phẩm 3 sao trên cơ sở sản phẩm truyền thống của địa phương và của các hợp tác xã, từ đó nâng cao giá trị hạt gạo. Đặc biệt, để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá đến người tiêu dùng sản phẩm OCOP của huyện, Thanh Oai đã xây dựng 2 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại thị trấn Kim Bài và xã Bích Hòa.

Cùng với việc bố trí gian hàng, huyện Thanh Oai còn phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội tổ chức chương trình xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, tổ chức hội chợ, hội nghị kết nối cung - cầu. Các chương trình xúc tiến thương mại đều có sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP và lãnh đạo huyện, thành phố. Tại các chương trình xúc tiến, các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP trưng bày, giới thiệu gần 1.000 dòng sản phẩm của các địa phương trong cả nước.

Để nâng cao hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP của huyện, đặc biệt là sản phẩm OCOP của các hợp tác xã và làng nghề, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển khẳng định, đối với các xã làng nghề có sản phẩm được công nhận OCOP, huyện đang rà soát quỹ đất để bố trí điểm trưng bày sản phẩm, hình thành các tuyến du lịch làng nghề. Huyện cũng rà soát và đưa vào danh mục các nhóm ngành hàng cần ưu tiên phát triển, xây dựng thương hiệu, từ đó đầu tư quy mô sản xuất, xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, tập trung vào sản phẩm theo chuỗi khép kín, ứng dụng công nghệ cao của các hợp tác xã.

Ngoài ra, huyện Thanh Oai còn xây dựng cơ chế hỗ trợ 2 triệu đồng/sản phẩm (sản phẩm được xếp hạng sao) để xây dựng thương hiệu. Huyện chủ động rà soát, lồng ghép vào các chương trình xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi, công nghệ cao… để hỗ trợ kinh phí, khoa học kỹ thuật, mặt bằng sản xuất cho các chủ thể, hợp tác xã phát triển sản phẩm OCOP. Đặc biệt, huyện phối hợp với các đơn vị xây dựng kênh thương mại điện tử riêng cho sản phẩm OCOP, ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy tiêu thụ, quảng bá./.

NT (Theo Báo HNM)