Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thanh Oai đưa công nghệ vào quản lý, giám sát

Huyện Thanh Oai hiện có 28 hợp tác xã nông nghiệp với hàng chục nghìn lao động. Trong số đó, Hợp tác xã Hoàng Long (được thành lập từ năm 2007) là một trong những mô hình tuân thủ an toàn lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản.



Hợp tác xã thực hiện toàn bộ các khâu từ sản xuất, chế biến, vận chuyển bằng quy trình khép kín, hiện đại; tạo ra chuỗi thực phẩm an toàn từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng.

Đặc biệt, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, một mặt, hợp tác xã sử dụng thức ăn sinh học trong chăn nuôi, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh, mặt khác, bảo đảm quy trình chế biến thực phẩm an toàn, giết mổ gia súc theo công nghệ châu Âu, môi trường được xử lý bảo đảm theo quy định.

Được đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 4 sao, hằng năm, Hợp tác xã Hoàng Long sản xuất, tiêu thụ hàng nghìn tấn thịt lợn, các sản phẩm từ thịt lợn, giải quyết việc làm cho 30 công nhân, với mức lương bình quân 7 triệu đồng/ người/tháng. Năm 2020, Hợp tác xã Hoàng Long có 9 sản phẩm được thành phố Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP đạt 4 sao.

Tương tự, mô hình trồng lúa chất lượng cao tại Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai) luôn bảo đảm an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng Đỗ Văn Kiên cho biết, hợp tác xã đã đưa công nghệ 4.0 vào quản lý, giám sát vùng sản xuất trên quy mô 20ha trồng lúa. Camera giám sát được lắp đặt trên cánh đồng, thông tin về ngày xuống giống, bón phân, chăm sóc đều được ghi chép đầy đủ thông qua nhật ký điện tử eGAP… Quy trình sản xuất lúa hữu cơ được camera ghi lại và lưu trữ theo thời gian thực về toàn bộ chuỗi sản xuất và người tiêu dùng có thể kiểm chứng qua trích xuất hình ảnh. 100% nông dân, người lao động của hợp tác xã đều được tập huấn đầy đủ về an toàn, vệ sinh lao động. Theo đó, nông dân được tập huấn về sử dụng vật tư, vận hành máy móc, thiết bị đúng cách. Việc đánh bẫy bả chuột, côn trùng được chú trọng, quan tâm, sử dụng bằng phương pháp truyền thống, chủ yếu dùng bẫy bả dẫn dụ; tuyệt đối không sử dụng các biện pháp như kích điện, dùng dây dẫn điện…

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai) Nguyễn Thị Như Hằng, qua nhiều hình thức tuyên truyền, vận động gắn với tập huấn về an toàn, vệ sinh lao động trong nông nghiệp, nông dân sản xuất nông nghiệp đã áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tự nhiên, sử dụng các chế phẩm sinh học và áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn...

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, để thúc đẩy sản xuất an toàn, khích lệ người dân sản xuất tốt, huyện Thanh Oai chú trọng tới công tác tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nghề trong sản xuất nông nghiệp... Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật và cơ chế, chính sách về an toàn lao động trong nông nghiệp để cả người dân và cán bộ hợp tác xã nâng cao nhận thức và có ý thức chấp hành tốt.

“Thời gian tới, huyện Thanh Oai mong muốn Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan tăng cường tập huấn, nâng cao hiệu quả về an toàn, vệ sinh lao động trong các hợp tác xã”, ông Nguyễn Trọng Khiển nói./.

NT (Theo Báo HNM)