Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tập trung thực hiện các giải pháp phòng chống nắng, nóng và dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm

Thành phố Hà Nội hiện có tổng đàn gia súc, gia cầm đứng đầu cả nước với tổng đàn gia cầm, thủy cầm trên 28 triệu con, đàn lợn 1,65 triệu con, đàn trâu 25 ngàn con; đàn bò hơn 130 ngàn con trong đó đàn bò sữa khoảng hơn 14 ngàn con.



Thời gian qua, thời tiết khí hậu ở khu vực phía Bắc có nhiều biến động bất thường, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ bình quân hàng ngày lên tới 35­­ - 370C, nhiều ngày nhiệt độ ngoài trời lên quá cao tới trên 400C. Các đợt nắng nóng thường kéo dài sau đó lại kèm theo giông, lốc hoặc mưa lớn vào các buổi chiều tối. Thời tiết, nhiệt độ cao như vậy đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe đàn gia súc, gia cầm. Trước diễn biến bất thường trên, Chi cục Thú y Hà Nội đã và đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp chống nắng, nóng và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố.

Về chỉ đạo, Chi cục Thú y đã tham mưu Sở Nông nghiệp & PTNT có văn bản gửi đến UBND các huyện, thị xã chỉ đạo ngành liên quan và UBND các xã thực hiện tốt các biện pháp phòng chống nắng, nóng cho đàn gia súc, gia cầm. Giao trạm Thú y huyện có văn bản hướng dẫn và cử cán bộ xuống các cơ sở để trực tiếp hướng dẫn các biện pháp chuyên môn kỹ thuật về chống nóng cho đàn gia súc, gia cầm nhất là ở các vùng, khu chăn nuôi lớn (như Ba Vì, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Ứng Hòa, Mỹ Đức … ). Tập trung hướng dẫn cho các trang trại chăn nuôi có số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn, các hộ chăn nuôi bò sữa vì đặc tính của bò sữa là chịu nắng nóng rất kém nhất là trong chăn nuôi nông hộ.

Giải pháp chuyên môn được tập trung đó là đến cuối tháng 4/2018 hoàn thành công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đợt 3 (sau tiêm phòng đại trà đợt 1/2018) và đợt phun thuốc diệt ruồi, muỗi phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2018. Tổng diện tích đã tiêu độc được 80.757.000 m2. Số vôi bột do các huyện hỗ trợ khoảng 124,25 tấn. Tập trung theo dõi, giám sát dịch bệnh thông qua việc lấy mẫu giám sát chủ động sự lưu hành virus, cụ thể giám sát virus Cúm gia cầm của tổ chức FAO, CDC, Viện Thú y với 60 mẫu swabs gộp, 74 mẫu môi trường, 600 mẫu swab đơn; Giám sát virus lở mồm long móng gia súc trên bò của Cục Thú y với 180 mẫu huyết thanh, 180 mẫu probang. Đảm bảo duy trì chế độ báo cáo hàng ngày theo điện thoại đường dây nóng tại Chi cục (024.33800115) để tiếp nhận thông tin kịp thời giải quyết ngay những tình huống phát sinh tại cơ sở. Đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố cơ bản ổn định, không xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (như cúm gia cầm, lở mồm mong móng, tai xanh, dại ...). Đối với các bệnh thông thường có xảy ra ở một vài nơi trên đàn gia súc, gia cầm chăn nuôi trong dân, tỷ lệ ốm, chết thấp, tỷ lệ chữa khỏi cao. Đàn trâu bò chủ yếu mắc các bệnh ngoại sản, tiêu chảy (tỷ lệ ốm/tổng đàn 1,3%, tỷ lệ chữa khỏi 98,5%); Đàn lợn mắc các bệnh như phó thương hàn, tụ huyết trùng, đóng dấu (tỷ lệ ốm/tổng đàn 1,4%; tỷ lệ chữa khỏi 92,96%). Đàn gia cầm lẻ tẻ mắc một số bệnh truyền nhiễm thông thường như Gumboro, Newcastle, tụ huyết trùng, dịch tả vịt (tỷ lệ ốm/tổng đàn 0,6%; tỷ lệ chết/ốm 10,6%); Chỉ đạo quyết liệt đến các đơn vị phân công cán bộ và Ban chăn nuôi thú y bám sát cơ sở, giám sát chặt chẽ biến động đàn, tình hình dịch bệnh, đặc biệt việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật để kiểm soát, phát hiện sớm, báo cáo, khoanh vùng, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan diện rộng;

Đối với công tác tiêm phòng, đến nay, các đơn vị đã triển khai tiêm phòng bổ sung và tiêm phòng đại trà sớm các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm nuôi mới và hết miễn dịch; Tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 90% đối với các bệnh truyền nhiễm, với bệnh dại ở các quận nội thành nhiều nơi đạt trên 95% đàn chó trong diện phải tiêm phòng.

Xác định đối tượng đàn bò sữa có khả năng chịu nắng nóng kém, khi thời tiết ở nhiệt độ cao nguy cơ bùng phát dịch bệnh lớn, nhiều bệnh sẽ xuất hiện ngay trong những ngày nắng nóng nhất là các bệnh về sinh sản, bệnh đường tiêu hóa thậm chí cả các bệnh truyền nhiễm. Với hơn 14 ngàn con bò sữa lại nuôi trên khoảng 3.000 hộ nên nguy cơ bùng phát dịch là rất cao, Chi cục Thú y đã tập chỉ đạo trạm Thú y các huyện có nhiều bò sữa (như Ba Vì, Gia Lâm, Quốc Oai, Phúc Thọ, Đan Phượng … ) phối hợp với các ngành liên quan ở huyện tập huấn cho các hộ chăn nuôi, hướng dẫn các hộ cải tạo, nâng cấp hệ thống chống nóng trong chuồng nuôi. Khuyến cáo các biện pháp kỹ thuật như việc nhập đàn, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, chế độ cho ăn, khai thác sữa và vệ sinh chuồng trại trong những ngày nắng nóng. Đến nay, các hộ đã chủ động thực hiện các giải pháp chống nóng nên không để xảy ra dịch bệnh, các bệnh khác như sinh sản, viêm vú, viêm tử cung âm đạo đã được khống chế. 

Về hoạt động kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, từ đầu năm 2018 đến nay, hệ thống thú y đã thực hiện tốt việc kiểm dịch vận chuyển ra ngoài thành phố. Với kết quả cụ thể tính đến quý II/2018 đã kiểm dịch nhập về cơ sở trâu bò 18.543 con, lợn 296.068 con, gia cầm 2.923 ngàn con; kiểm dịch xuất đi các tỉnh trâu bò 468 con, lợn 150 ngàn con, gia cầm trên 8,2 triệu con. Kiểm soát giết mổ tại các điểm, cơ sở giết mổ với trâu bò 17.341 con (tăng 18,2%); gia cầm 2.232 ngàn con (tăng 20%); lợn 318 ngàn con. Tập trung triển khai hoạt động của chốt kiểm dịch liên ngành đã kiểm tra 56.850 lượt phương tiện vận chuyển với số gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật được kiểm tra, phúc kiểm là 2.854.630 con gia súc, gia cầm.

Thời gian qua, Chi cục Thú y Hà Nội cũng đã phối hợp với các cơ quan truyền thông của Trung ương và Hà Nội, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Phát triển chăn nuôi, đài truyền thanh các huyện, thị xã làm nhiều chương trình chuyên đề về các giải pháp chống nắng, nóng cho gia súc, gia cầm. Nội dung truyền thông cũng được đổi mới ngắn gọn, dễ hiểu. Thời lượng cũng được các cơ quan truyền thông tăng lên nhất là ở đài truyền thanh các xã và những ngày nắng nóng cao điểm được truyền thông mạnh. Thông qua chương trình "Nhịp cầu nhà nông" tại các huyện, ngành Thú y cũng đã gắn kết để tuyên truyền mạnh đến người nông dân về các giải pháp chống nắng, nóng. Đây cũng là một hoạt động được bà con nông dân ghi nhận và đánh giá cao.

Với các giải pháp đồng bộ nêu trên, đến nay, mặc dù thời tiết rất khắc nghiệt, Hà Nội liên tiếp có nhiều đợt nắng nóng kéo dài song tình hình dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố vẫn được đảm bảo ổn định không có dịch lớn xảy ra.

Theo dự báo thời gian tới thời tiết khí hậu còn có những biến đổi thất thường, nhất là từ tháng 6 đến tháng 8/2018 có thể xảy ra mưa, lũ, giông bão lớn. Chi cục Thú y Hà Nội đang tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với Sở Nông nghiệp & PTNT các giải pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Đồng thời tăng cường phối hợp với các ngành liên quan để tiếp tục triển khai các giải pháp chuyên môn cụ thể như giám sát chặt chẽ dịch bệnh ngay từ cơ sở, tổ chức tốt công tác tiêm phòng để chủ động tạo miễn dịch cho đàn gia súc, gia cầm. Tổ chức 02 đợt tổng tẩy uế môi trường theo kế hoạch của Thành phố. Xây dựng phương án phòng chống bão, lũ, mưa lớn gây ngập úng để bảo vệ sức khỏe đàn gia súc, gia cầm. Tăng cường hơn nữa việc phối hợp với các cơ quan truyền thông, đài truyền thanh các huyện, thị xã để đẩy mạnh các hình thức truyên truyền giúp người chăn nuôi chủ động đối phó với điều kiện thời tiết bất lợi./.

Nguyễn Ngọc Sơn