Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tạo động lực phát triển thế mạnh làng nghề

Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch được thành lập được coi là dấu mốc, là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của mỗi làng nghề kết hợp sản xuất gắn với hoạt động khai thác du lịch, mua sắm, trải nghiệm.



Trong định hướng phát triển bền vững làng nghề gắn với hoạt động du lịch trải nghiệm cho du khách khi đến với Thủ đô, UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch về phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các quận, huyện năm 2024.

Là Việt kiều tại AUSTRALIA, bà Nguyễn Thị Minh Trang đã có một ngày trải nghiệm đáng nhớ tại Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt mới thấy hết được vẻ đẹp của làng gốm Bát Tràng. Từ khi xây dựng Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt và kết nối các điểm du lịch làng nghề, trung bình mỗi ngày Trung tâm có hàng trăm du khách ghé thăm và trải nghiệm thực tế làm nghề của người dân nơi đây.

Hạn chế lớn nhất đối với các làng nghề của Hà Nội khi muốn khai thác du lịch làng nghề đó là mặt bằng, cơ sở lưu trú cùng những dịch vụ đi kèm và khi xây dựng được các Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề sẽ khắc phục triệt để các tồn tại đó cho các làng nghề phát triển.

Theo ông Phan Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ thì địa phương cũng đang triển khai xây dựng Trung tâm sáng tạo làng nghề này và khi hình thành đây sẽ là trung tâm phát triển cho xã Đông Phương Yên, xã Phú Nghĩa và các xã có làng nghề phụ cận của huyện Chương Mỹ.

Theo định hướng của Thành phố, trong năm 2024, Hà Nội sẽ xây dựng được 5-10 mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại các làng nghề đang hoạt động kinh doanh có hiệu quả nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm địa phương gắn với các di tích lịch sử, văn hóa truyền thống và phát huy tối đa sự tham gia của người dân, các nghệ nhân và sự vào cuộc của các đơn vị, doanh nghiệp.

Đối với bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội đây là một niềm hạnh phúc với chủ trương này của thành phố. Và khi các Trung tâm này hình thành sẽ tạo động lực rất lớn cho sự phát triển của các làng nghề, thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển gắn với việc khai thác hoạt động du lịch trải nghiệm, tạo ra một sản phẩm du lịch mới thu hút du khách trong nước và quốc tế mỗi khi đến với Thủ đô.

Hà Nội hiện đang có 1.350 làng có nghề và trên 318 làng nghề truyền thống. Ngoài ra, Hà Nội còn là địa phương dẫn đầu cả nước về số sản phẩm OCOP với trên 2.700 sản phẩm qua 5 năm triển khai từ năm 2019-2023. Khi có chiến lược phát triển tổng thể và có đầu tư đúng hướng thì những làng nghề của Hà Nội sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội cũng như thu hút du khách trong và ngoài nước tới tham quan, trải nghiệm làng nghề./.

NT (Theo www.chinhphu.vn)