Vẫn nhiều khó khăn
Thời gian qua, HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố đã khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới.
Về phân loại HTX, loại tốt chỉ chiếm 19,6%, loại khá chiếm 34,8%, loại trung bình chiếm 40,3% và yếu chiếm 5,3%. Đáng nói, có tới 338 HTX không đánh giá phân loại do chưa đủ điều kiện đánh giá phân loại và ngừng hoạt động.
Tuy vậy, khu vực kinh tế hợp tác của Hà Nội vẫn còn rất nhiều khó khăn. Tính đến tháng 8/2022, trên địa bàn thành phố có 1.339 HTX nông nghiệp, chiếm hơn 58% tổng số HTX trên địa bàn thành phố, trong đó có 1.106 HTX đang hoạt động và 233 HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Hoàng Thị Huyền nhận định, HTX nông nghiệp chưa phát huy hết vai trò, vị trí và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Số lượng HTX nông nghiệp có liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, quy mô chưa lớn.
Bên cạnh đó, một số địa phương chưa chú trọng phát triển kinh tế HTX nông nghiệp; đội ngũ cán bộ phụ trách kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp cấp cơ sở kiêm nhiệm; hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp (giao thông, thủy lợi, điện nội đồng) chưa được đầu tư đồng bộ để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ
Để tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy kinh tế hợp tác, mới đây (ngày 25/10/2022), UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định về kế hoạch củng cố, kiện toàn HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo kế hoạch, thành phố đề ra 7 mục tiêu đến năm 2025, đó là: có 100% HTX nông nghiệp hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã; thành lập mới từ 150 HTX nông nghiệp trở lên. Củng cố, kiện toàn phát triển HTX nông nghiệp; 100% HTX ở xã đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu được củng cố, kiện toàn; 60% HTX nông nghiệp trở lên đạt từ loại khá...
Để đạt mục tiêu trên, thành phố Hà Nội đã đề ra 10 giải pháp thực hiện. Trong đó, điểm nhấn quan trọng là hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp. Cụ thể, UBND thành phố tham mưu sửa đổi Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 5/12/2018 của HĐND thành phố, đặc biệt là chính sách hỗ trợ chứng nhận chất lượng sản phẩm; hỗ trợ ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số; tham mưu bổ sung chính sách hỗ trợ xây dựng các mô hình HTX nông nghiệp phát triển công nghệ cao, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, sinh thái…
Thành phố cũng sẽ ban hành quy định về cơ chế đất đai; quy định và kiểm soát xây dựng công trình trên đất nông nghiệp theo quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ sản xuất nông nghiệp, HTX nông nghiệp tổ chức sản xuất; nghiên cứu, bổ sung cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX thực hiện tốt việc tích tụ, tập trung ruộng đất để mở rộng quy mô và sản xuất hàng hóa.
Cùng với đó là cơ chế thúc đẩy các HTX phát triển liên kết theo chuỗi giá trị, thành phố cũng sẽ tạo điều kiện, khuyến khích HTX nông nghiệp hình thành liên kết chuỗi giá trị ngành hàng nông sản; xây dựng mã số vùng trồng gắn với phát triển theo vùng nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Khuyến nghị về chính sách, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) Hoàng Xuân Trường cho rằng, thời gian tới, Hà Nội cần củng cố và kiện toàn các HTX yếu, trung bình để phát triển thành các HTX khá, tốt; tiếp tục thành lập các HTX chuyên ngành và đa ngành, đẩy mạnh khuyến khích phát triển các HTX sinh thái, thuần tự nhiên./.
NB (Theo Báo KTĐT)