Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về An toàn thực phẩm

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý bảo đảm An toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn thành phố, ngày 17/7/2020, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 145/KH – UBND về Thực hiện Chỉ thị số 17/CT – TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới trên địa bàn thành phố Hà Nội.



Kế hoạch yêu cầu tập trung tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về ATTP, thực hiện nghiêm túc đầy đủ, trách nhiệm quản lý ATTP đúng quy định theo Luật ATTP, Chủ tịch UBND các cấp trực tiếp làm nhiệm vụ Trưởng ban chỉ đạo liên ngành ATTP của địa phương, chịu trách nhiệm về bảo đảm ATTP, chịu trách nhiệm khi để xảy ra sự cố, vi phạm pháp luật ATTP trên địa bàn. Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là thiếu trách nhiệm trong ATTP.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về ATTP gây ảnh hưởng sức khỏe tới người tiêu dùng, chú trọng thanh kiểm tra các cơ sở cung cấp thực phẩm cho nhiều người, cơ sở kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng, cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ…

Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về ATTP, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan truyền thông, báo, đài, với các cơ quan quản lý nhà nước để tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành phố trong công tác ATTP, phản ánh tình hình triển khai thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước, thông tin nhận biết thực phẩm an toàn, các điểm bán hàng an toàn để người dân biết.

Phát triển các vùng sản xuất, kết nối tiêu thụ thực phẩm an toàn, thúc đẩy, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến (GAP, HACCP, ISO 22000) các mô hình sản xuất thực phẩm theo chuỗi, hệ thống phân phối an toàn. Nghiên cứu, thí điểm việc áp dụng một số hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thực phẩm tiêu dùng cũng như thực phầm xuất khẩu. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung của UBND Thành phố về chương trình phối hợp tuyên truyền vận động, sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2018 – 2020 và các nội dung được ký kết khác.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT trong thực hiện thủ tục hành chính về ATTP trong hệ thống dịch vụ công trực tuyến phấn đấu đạt cấp độ 4 nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ATTP, duy trì, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm, quản lý, phát triển chợ Thương mại điện tử sản phẩm thực phẩm an toàn…

Kế hoạch giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm, đặc biệt là các vi phạm về chất cấm, chất ngoài danh mục được phép sử dụng. Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã triển khai các bước nhằm giảm nhanh điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh môi trường; vận động đưa các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch; tổ chức thực hiện xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn theo kế hoạch, đề án đã được phê duyệt, phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn chuyển đổi sản xuất theo chuỗi giá trị; thúc đẩy áp dụng các quy trình theo hệ thống quản lý chất lượng (GAP, HACCP, ISO 22000) các mô hình sản xuất theo chuỗi, hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.

Tổ chức phát triển các làng nghề sản xuất, chế biến bảo đảm ATTP, chợ đầu mối nông sản thực phẩm an toàn. Tăng cường kiểm tra chất lượng ATTP tại các làng nghề sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp quản lý và chợ đầu mối nông sản. Đề xuất UBND Thành phố đầu tư trang thiết bị đo kiểm di động hoặc cố định tại một số Trung tâm thương mại, chợ nông sản lớn, hướng dẫn và giúp người dân nhận biết thực phẩm an toàn, thực phẩm không an toàn.

Tăng cường hợp tác với các tỉnh, Thành phố, kết nối sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn, đặc sản vùng miền phục vụ người tiêu dùng Thủ đô theo Chương trình phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội giai đoạn 2015 – 2020 và các năm tiếp theo; Tiếp tục duy trì, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội (https://hh.check.net.vn; https://check.gov.vn); quản lý, phát triển chợ Thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản thủy sản an toàn…Nghiên cứu, thí điểm việc áp dụng một số hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thực phẩm tiêu dùng cũng như thực phẩm xuất khẩu.

Kế hoạch đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và yêu cầu các sở, ban, ngành Thành phố, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan nghiêm túc tổ chức thực hiện./.

Đặng Diện (tổng hợp)