Theo đó, nội dung thực hiện các Sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch hành động cụ thể triển khai, thực hiện Chỉ thị tại địa phương theo lộ trình như sau:
Thường xuyên tổ chức giám sát, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi đốt chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương, xây dựng hệ thống giám sát cộng đồng và hệ thống thông tin nhằm phát hiện, tố cáo các hành vi đốt rác thải rắn sinh hoạt tại địa bàn; Tổ chức thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt theo quy định hiện hành và triển khai các biện pháp khác nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốt rác thải sinh hoạt trên địa bàn.
Đến ngày 30/9/2020, tổ chức tuyên truyền thông báo đến mọi tầng lớp dân cư, các tổ dân phố, thôn, xóm, bản làng về chủ trương của Thành phố trong việc thực hiện quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác theo các quy định hiện hành; Đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân đốt và giải pháp nhằm kiểm soát tốt công tác quản lý rác thải và rơm rạ, phụ phẩm cây trồng trên địa bàn quản lý.
Đến ngày 31/12/2020, thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau khi thu hoạch và chuyển sang các giải pháp xử lý khác thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe cộng đồng nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng trước ngày 31/12/2020.
Từ ngày 01/01/2021, rơm rạ và phụ phẩm cây trồng phát sinh được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý đảm bảo 100% yêu cầu về kỹ thuật môi trường, không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn sinh hoạt không đúng quy định; Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong công tác thu hoạch, sản phẩm, thu gom, vận chuyển, xử lý rơm rạ…
Chỉ thị nêu rõ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Chỉ thị thông qua biên soạn và cung cấp tài liệu hướng dẫn, tổ chức tập huấn cho các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức, cá nhân có tham gia sản xuất nông nghiệp và phương pháp thu gom, xử lý, tái sử dụng rơm rạ và phụ phẩm cây trồng theo hướng thân thiện môi trường.
Tổ chức triển khai các mô hình phù hợp và khuyến khích các địa phương, tổ chức, cá nhân cơ giới hóa trong việc thu gom, xử lý, tái sử dụng rơm rạ và phụ phẩm cây trồng làm nguyên liệu sản xuất như trồng nấm, làm phân bón hữu cơ, hàng mỹ nghệ…
Chủ trì, phối hợp với UBND cấp quận, huyện, thị xã; các xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan tiến hành thanh, kiểm tra việc thự hiện các quy định về thu gom, xử lý, sử dụng rơm rạ và phụ phẩm cây trồng trên địa bàn.
Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền triển khai thi hành các chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng. Nghiên cứu, đề xuất các quy định đặc thù, trình UBND Thành phố và HĐND thành phố phê chuẩn nhằm thực hiện hiệu quả và triệt để việc chấm dứt đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng trên địa bàn Thành phố; Phối hợp với các Sở, ngành có liên quan xây dựng và đề xuất các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng rơm rạ và phụ phầm cây trồng; Các cơ sở sản xuất, kinh doanh các chế phẩm thân thiện môi trường để xử lý; cơ chế hỗ trợ bà con nông dân xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng.
Tham mưu trình UBND Thành phố điều chỉnh, bổ sung nội dung “không sử dụng bếp than tổ ong; không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định” để xét và công nhận các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn tiếp theo.
Chỉ thị yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố; Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.
Đặng Diện (tổng hợp)