Diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức cho người nông dân về các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và thực hiện chứng nhận các sản phẩm chăn nuôi, góp phần xây dựng các vùng chăn nuôi trọng điểm, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tham dự diễn đàn là hơn 200 đại biểu gồm đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT, Chi cục Chăn nuôi và thú y, Trung tâm Khuyến nông, chủ trang trại, hộ chăn nuôi của 13 tỉnh, thành phố phía Bắc và một số doanh nghiệp chăn nuôi như Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty Ba Huân… Ban cố vấn diễn đàn gồm những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chăn nuôi đến từ các cục, viện thuộc Bộ Nông nghiệp & PTNT, tổ chức FAO tại Việt Nam.
Theo báo cáo, sau 10 năm triển khai Chiến lược phát triển chăn nuôi từ 2008 - 2018, ngành chăn nuôi đã đạt được sự tăng trưởng khá cao và ổn định với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 5-6%/năm. Giai đoạn từ năm 2018-2020 do nhiều yếu tố tác động như giá cả thị trường, điều kiện chăn nuôi và tình hình dịch bệnh trên động vật nên số lượng đầu gia súc có sự sụt giảm đáng kể trên đàn trâu và đàn lợn, cụ thể năm 2018 tổng số trâu cả nước là 2,425,105 con đến năm 2020 giảm xuống còn 2,332,754 con; đàn lợn từ khoảng 28,15 triệu con (giảm 6 triệu con) xuống còn 22,03 triệu con.
Những thành tựu đạt được của ngành chăn nuôi có sự đóng góp của nhiều cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương, trong đó không thể không kể đến vai trò của Hệ thống Khuyến nông cả nước và tác động từ hiệu quả của những mô hình khuyến nông chăn nuôi đã triển khai trong giai đoạn vừa qua. Trong giai đoạn từ năm 2011-2021, các địa phương đã và đang triển khai thực hiện 80 dự án khuyến nông chăn nuôi từ nguồn kinh phí Khuyến nông Trung ương. Các mô hình dự án triển khai được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó nhiều mô hình đã góp phần tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và tạo ra các sản phẩm chăn nuôi an toàn có chứng nhận.
Tại diễn đàn, ban cố vấn đã trả lời trực tiếp 35 câu hỏi của các đại biểu từ các điểm cầu trực tuyến. Nội dung câu hỏi tập trung vào 4 nhóm vấn đề chính là các cơ chế chính sách hỗ trợ và định hướng trong chăn nuôi an toàn sinh học; các yêu cầu về chứng nhận sản phẩm; quản lý chăn nuôi; chăn nuôi đạt chứng nhận VietGAP, chăn nuôi theo hướng hữu cơ.
Phát biểu kết thúc diễn đàn, TS. Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá, ngành chăn nuôi đã thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Thông qua diễn đàn, bà Hạnh đề nghị các cơ sở tập trung thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn để đạt tiêu chuẩn VietGAHP, chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng./.
Nguyễn Thúy