Tại địa bàn xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây), sau một thời gian nỗ lực và được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tỉ mỉ về cách trồng, chăm sóc, người dân thôn La Gián đã thực hiện thành công mô hình chuyên canh cây dược liệu hoa đu đủ đực. Theo anh Nguyễn Thành Nam, cán bộ Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật thị xã Sơn Tây, sự cần cù, chịu khó đã giúp người dân thôn La Gián trồng thành công hơn 16.000 cây hoa đu đủ đực trên diện tích 3,3 ha. Hoa đu đủ đực được một đơn vị đứng ra bao tiêu sản phẩm, mức giá 27.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Lương Bằng, một hộ dân trồng cây hoa đu đủ đực trên diện tích 2.500m2 phấn khởi chia sẻ, hoa đu đủ đực không chỉ chữa được nhiều bệnh, mà còn chế biến thành món ăn ngon, bổ, hấp dẫn. Cây rất hợp với chất đất của xã Cổ Đông, sinh trưởng nhanh, khỏe, sản phẩm được thu mua hết, nên nông dân không phải tìm nơi tiêu thụ.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Cổ Đông Bùi Hữu Nam, từ hiệu quả mô hình trồng cây dược liệu hoa đủ đủ đực, địa phương tiếp tục động viên nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích trồng thêm 5 ha, góp phần tăng thu nhập cho nông dân và kinh tế nông hộ ngày càng phát triển bền vững. Trong khi đó, tại xã Xuân Sơn, nhờ mạnh dạn học hỏi, anh Nguyễn Trung Tấn ở thôn Lễ Khê đã đưa giống dưa lê Hàn Quốc về trồng trên diện tích 1.000m2 từ đầu năm 2023. Hiện tại, vườn dưa đang cho thu hoạch với chất lượng quả thơm, giòn, ngọt. Anh Tấn cho biết, mỗi cây chỉ để 3 quả, chất lượng mới ngon, quả to. Dưa trồng trong nhà màng, tổng số 2.700 gốc, sau 75 ngày cho thu hoạch trong thời gian từ 10 đến 15 ngày/lứa. Do gia đình chia vườn thành 2 lứa, trồng gối, cách nhau 10 ngày, nên thời gian thu hoạch dưa kéo dài 20 - 25 ngày. Sản lượng thu từ 1.800 gốc của lứa đầu được hơn 2,2 tấn quả. Giá bán lẻ 60.000 đồng/kg, giá bán buôn từ 2 tạ trở lên là 45.000 đồng/kg, trừ chi phí, trồng dưa lê Hàn Quốc lãi khoảng 100 triệu đồng/vụ/3 tháng.
“Thời gian tới, gia đình tôi muốn mở rộng diện tích trồng dưa, nhưng gặp khó khăn về vốn. Chúng tôi rất mong được địa phương và các ngành chức năng quan tâm, giúp tôi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, để mở rộng diện tích nhà màng, góp phần cung cấp cho thị trường thêm nhiều sản phẩm dưa an toàn, chất lượng”, anh Tấn chia sẻ thêm.
Tương tự, tại địa bàn xã Thanh Mỹ, vụ xuân hè 2023, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Thanh Mỹ phối hợp đơn vị chức năng thị xã triển khai mô hình sản xuất bí đỏ theo hướng VietGAP, trên diện tích 4.000m2, tại cánh đồng Rộc Sắn, thôn Thủ Trung. Chị Nguyễn Thị Phương, cán bộ Trạm Khuyến nông thị xã Sơn Tây thông tin, cây bí đỏ trồng cho thu hoạch ngọn, hoa, quả bao tử, quả già, chất lượng tốt, bảo quản nhiệt độ trong nhà được khoảng 3 tháng, năng suất 800 kg/sào, trừ chi phí cho thu lãi hơn 3,5 triệu đồng/sào. Nông dân trồng bí đỏ còn giảm được chi phí làm đất, làm giàn, trong khi quá trình thu hoạch, tiêu thụ rất thuận lợi. Do đó, nông dân xã Thanh Mỹ tiếp tục duy trì mô hình trồng bí đỏ theo hướng VietGAP và mở rộng vùng trồng, góp phần tăng thêm thu nhập.
Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Bùi Hồng Hà cho biết, trên địa bàn thị xã còn nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như gia đình bà Quách Thị Hải trồng sâm Bố Chính và ba kích tím trên diện tích 4.000m2, ông Nguyễn Xuân Hùng trồng hơn 1 vạn cây mai trắng (đều ở phường Xuân Khanh); anh Nguyễn Văn Vỵ ở xã Sơn Đông trồng nho Hạ đen trên diện tích 1.500m2… Các mô hình chuyển đổi cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa và giúp giảm diện tích đất bỏ hoang, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới./.
TA (Theo Báo HNM)