Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội làm việc với huyện Mê Linh

Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội do đồng chí Nguyễn Xuân Đại - Thành ủy viên, Giám đốc Sở làm trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với huyện Mê Linh về tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.



Huyện Mê Linh có diện tích đất tự nhiên hơn 14.000ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 8000 ha. Năm 2022, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp của huyện đạt 1.920 tỷ đồng, tăng 2,6% so cùng kỳ năm trước. Về trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 14.500ha; năng suất và sản lượng các loại cây trồng đều tăng. Diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt gần 1000 ha, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Huyện đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung cho 13 xã, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở quy hoạch, trên địa bàn huyện đã hình thành 135 vùng sản xuất chuyên canh tập trung (trong đó có 43 vùng sản xuất lúa cao sản, chất lượng cao với diện tích hơn 2.000 ha; 92 vùng sản xuất tập trung theo mô hình kinh tế trang trại với diện tích 3.200 ha).Trên địa bàn có nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu như: Mô hình sản xuất lúa Japonica hữu cơ hàng hóa diện tích trên 10 ha tại xã Tam Đồng; mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa lan Hồ Điệp quy mô 3,8 ha tại xã Đại Thịnh; mô hình sản xuất giống hoa cúc bằng phương pháp nuôi cấy mô tại xã Đại Thịnh; mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp du lịch trải nghiệm gắn với làng nghề quy mô 100 ha tại xã Tam Đồng;…

Về liên kết theo chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn huyện đã hình thành một số chuỗi liên kết sản xuất bền vững, tạo ra các sản phẩm thế mạnh, đặc trưng như: Chuỗi sản xuất và tiêu thụ trái cây của Hợp tác xã Khánh Phong, xã Tiến Thịnh; chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau, củ, quả an toàn của Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt; các chuỗi chăn nuôi gà, vịt, lợn của Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam;…

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, đến nay, huyện Mê Linh đã có 24 sản phẩm đạt 4 sao, 51 sản phẩm đạt 3 sao. Huyện hỗ trợ in bao bì, nhãn mác, đăng ký nhãn hiệu tập thể cho 43 sản phẩm OCOP của 9 chủ thể. Dự kiến năm 2023, huyện có thêm 30 sản phẩm được phân hạng từ 3 sao trở lên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp của huyện Mê Linh vẫn còn một số khó khăn như: Việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế, chưa bền vững; chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn thấp,…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Thành phố Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh, diện tích đất nông nghiệp của huyện Mê Linh còn lớn (theo định hướng quy hoạch đến năm 2030 Mê Linh còn hơn 5000 ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích đất bãi lên đến 2.500 ha). Bên cạnh đó, Cấp ủy, Chính quyền huyện Mê Linh đặc biệt quan tâm đến công tác nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là cơ hội để nông nghiệp của Huyện bứt phá mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả toàn diện hơn trong thời gian tới.

Theo đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, huyện Mê Linh cần có định hướng phát triển nông nghiệp trong quá trình đô thị hóa, đặc biệt là có chính sách thu hút lao động trong nông nghiệp; Tăng cường quy hoạch, khai thác hiệu quả tiềm năng vùng đất bãi, mở rộng vùng trồng hoa, rau an toàn, cây ăn quả,.. Sở Nông nghiệp & PTNT sẽ tích cực phối hợp, hỗ trợ tối đa để sản xuất nông nghiệp của huyện có bước phát triển mới, đóng góp tích cực vào kết quả sản xuất nông nghiệp chung của Thủ đô.

Liên quan đến những kiến nghị của huyện, Sở sẽ tổng hợp, báo cáo UBND thành phố sớm quan tâm xem xét giải quyết, nhất là những quy định liên quan đến chế độ, chính sách không còn phù hợp, trở thành rào cản cho sự phát triển nông nghiệp huyện Mê Linh nói riêng và thủ đô nói chung. Đối với những đề nghị thuộc thẩm quyền của Sở Nông nghiệp & PTNT, đồng chí Giám đốc Sở giao các phòng, chi cục, trung tâm trực thuộc Sở tích cực triển khai thực hiện. Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với huyện Mê Linh để mở rộng vùng sản xuất lúa hữu cơ, chất lượng cao; đầu tư máy móc, trang thiết bị cho việc sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch; duy trì tổ chức Festival hoa và sản phẩm OCOP tại huyện hàng năm…/.

Nguyễn Vàn