Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị phát huy lợi thế trong thời dịch Covid 19

Trong khi nhiều nông sản gặp khó khăn ở cả khâu sản xuất lẫn tiêu thụ vì dịch bệnh Covid-19, thì mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn Hà Nội lại tiêu thụ ổn định. Đó là nhờ vào phương thức sản xuất trong đó chất lượng được đưa lên hàng đầu và sự minh bạch về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.



Từ khi dịch Covid-19 bùng phát tới nay đã khiến không ít mặt hàng nông sản đứng trước tình cảnh rớt giá, khó tiêu thụ. Thế nhưng, hoạt động tại các đơn vị, hợp tác xã sản xuất theo chuỗi giá trị vẫn diễn ra ổn định, gần như không bị xáo trộn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh.

Với mục tiêu chiến lược là phát triển sản xuất sản phẩm rau an toàn chất lượng cao theo chuỗi khép kín, từ khâu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đến sơ chế, bảo quản, tiêu thụ, hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đến nay, Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà, huyện Thường Tín đang sản xuất hai dòng sản phẩm chính là rau mầm và rau baby trên diện tích 2,1ha với 9.000m2 nhà màng cùng với hệ thống tưới phun tự động, 2 kho lạnh, nhà bảo quản nông sản, nhà sơ chế. Với những nỗ lực không ngừng trong việc tiếp cận, nghiên cứu thị trường, áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ và chuyển đổi phương thức sản xuất, năm 2019, HTX Thanh Hà được UBND Thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 15 sản phẩm rau an toàn. Đặc biệt, sau nhiều năm khởi nghiệp với nông nghiệp sạch, HTX đã có nhiều sản phẩm rau mầm, tiêu thụ hầu hết tại các siêu thị lớn như: Hiway, Unimart, Big C, Metro, AEON,… Bà Bùi Thị Thanh Hà – Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà cho biết: Thương hiệu “Rau an toàn Vinasafl” của HTX đã chinh phục được lòng tin của đông đảo người tiêu dùng Thủ đô và một số tỉnh, thành lân cận. Hiện tại, tình hình sản xuất của Hợp tác xã vẫn ổn định, không bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch Covid -19, HTX cũng cam kết dù thị trường biến động bởi dịch bệnh nhưng hơn 1 năm nay HTX vẫn duy trì, cam kết giữ nguyên giá thành sản phẩm.Vì vậy, đầu ra của sản phẩm vẫn được các siêu thị, doanh nghiệp thu mua đặt hàng đều đặt.

Tương tự tại Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm), ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc HTX cho biết: Toàn xã có hơn 200ha

sản xuất rau an toàn. Mặc dù, hiện tại dịch COVID- 19 gây khó khăn trong công tác vận chuyển, lưu thông sản phẩm tới nơi tiêu thụ, song, để bảo đảm nguồn cung cho thị trường, HTX vẫn triển khai sản xuất theo kế hoạch, nông dân vừa sản xuất, vừa thực hiện các quy định về giãn cách xã hội, bảo đảm phòng chống dịch. Trung bình mỗi ngày, hợp tác xã cung cấp 6 - 7 tấn rau cho các siêu thị trên địa bàn TP và 30 tấn rau các loại cho chợ đầu mối và các tỉnh lân cận.

Mô hình Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm thịt lợn sinh học Quốc Oai do Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai tổ chức cũng là một trong những điển hình phát triển ổn định giữa thời dịch Covid-19. Theo ông Nguyễn Đình Tường – Giám đốc HTX, nhờ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, quy trình khép kín từ khâu chọn con giống, chăm sóc, cho ăn, phòng bệnh theo từng giai đoạn đến khi xuất bán, giết mổ, đóng gói đưa đến người tiêu dùng và liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên tuy dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng các sản phẩm thịt sạch, đặc biệt là các sản phẩm thịt lợn chế biến đạt 4 sao OCOP của hợp tác xã vẫn tiêu thụ mạnh tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn TP. Trước thời điểm dịch CoVID – 19, chuỗi chăn nuôi và cung cấp sản phẩm thịt lợn của HTX phát triển ổn định. Thời gian gần đây, khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, người tiêu dùng lựa chọn mua sắm tại các kênh siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn thì sản lượng thịt lợn của HTX cung cấp cho thị trường càng tăng cao.

Đánh giá về hiệu quả của mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tại một Diễn đàn khuyến nông @  liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp do Sở Nông nghiệp &PTNT Hà Nội tổ chức vào tháng 4 vừa qua, ông Tạ Văn Tường – Phó GĐ Sở cho rằng: Từ thực tế sản xuất cho thấy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản là xu hướng tất yếu, là nhân tố quan trọng thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, giúp ngành nông nghiệp tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị giá tăng và phát triển bền vững. Các địa phương cần phát huy lợi thế, tiếp tục chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, sản xuất chuyên canh tập trung, cung cấp nông sản chất lượng cao. Qua đó, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu và hướng tới xuất khẩu. Quan trọng, tổ chức sản xuất theo chuỗi sẽ góp phần vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh vừa giải quyết khâu lưu thông sản phẩm hàng hóa, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh xảy ra.

Trong bối cảnh dịch Covid -19 vẫn đang diễn biến phức tạp, xác định rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm nguồn lương thực, thực  cho người dân, thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông, lâm, thủy sản và phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn. Thành phố phấn đấu đến hết năm 2021, duy trì và tăng 20% chuỗi sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Cùng với đó, là một sự cố gắng không ngừng của bà con nông dân, doanh nghiệp cung ứng,…đã cùng san sẻ khó khăn với thành phố để vừa chống dịch vừa sản xuất tốt./.                                     

Lưu Phượng