Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quy trình sản xuất lúa theo nguyên tắc hữu cơ PAMCI được áp dụng tại HXNN Hữu cơ Đồng Phú - Chương Mỹ



  1. Sản xuất lúa: (Áp dụng cho Vụ Xuân và cả vụ Mùa)

 * Giống lúa: Bắc Thơm Số 7 Và J02 (Jamonica - Nhật)

- J02, Lượng giống 1,5 kg/ sào = 40,5 kg / ha. 

- Bắc thơm số 7:  0,8 – 1 kg /sào = 27 kg / ha.

 * Gieo mạ

- Sử dụng 0,35 - 0,5 kg giống J02 cho 3,5 - 5 m2 luống mạ cho diện tích cấy 1 sào (360m2).

- Bón 5 kg phân hữu cơ cho 5m2 luống mạ.

- Cấy (Theo nguyên tắc SRI - Hệ thống thâm canh lúa cải tiến)

- Sử dụng mạ non 2,5 - 3 lá

- Cấy với mật độ thấp (25 khóm /m2)

- Cấy một dảnh/khóm.

*  Phân bón: Số lượng 200 kg/ sào = 5.400 kg/ha.

- Loại phân bón: Chỉ bón phân hữu cơ (phân chuồng ủ với chế phẩm Emina (vi sinh vật), tro, trấu, vôi, và các cây phân xanh).

- Thời gian áp dụng: 1 - 5 ngày trước khi cấy

*  Quản lý dịch hại

- Không sử dụngthuốc trừ sâuhaythuốc diệt cỏ

*  Kiểm soát nước

- Tưới nước cách quãng được áp dụng như trong lịch trình dưới đây, theo phương pháp SRI

Màu xanh: ruộng có nước

Màu trắng: để ruộng cạn

  1. Quản lý

*  Hệ thống truy xuất nguồn gốc

- Toàn bộ quá trình sản xuất và quy trình chế biến được ghi lại trong cuốn "Hồ sơ sản xuất theo hệ thống tin cậy", được phát triển dựa trên các tiêu chí của Việt-GAP và các tiêu chuẩn hữu cơ PGS.

*  Bảo quản ở điều kiện tốt sau thu hoạch để giữ cho sản phẩm có chất lượng cao

- Sản phẩm được phơi khô ở nơi sạch sẽ.

- Kho bảo quản phải được luôn luôn giữ sạch sẽ, mát mẻ, không bụi bẩn, côn trùng, hoặc bất kỳ nguồn ô nhiễm nào.

- Sản phẩm được đóng gói trong môi trường sạch sẽ.

Quy tắc sản xuất và quản lý lúa hữu cơ PAMCI

Sản xuất nông nghiệp an toàn và thân thiện môi trường tại xã Đồng Phú là một hệ thống tổng thể của quản lý trang trại và sản xuất lương thực kết hợp thực hành tốt nhất về môi trường, mức độ đa dạng sinh học, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và một phương pháp sản xuất phù hợp với việc bảo vệ sức khỏe nhà sản xuất, tránh sản phẩm độc hại hoặc sử dụng sai đầu vào hoá chất nông nghiệp để bảo vệ sức khỏe nhà sản xuất, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về việc sử dụng các sản phẩm được sản xuất dùng các chất và quy trình tự nhiên.

Với các phương pháp như vậy, có thể đảm bảo rằng sản phẩm được sản xuất phù hợp hoàn toàn với các yêu cầu đặt ra theo Quy chế sản xuất nông nghiệp của Hợp tác xã nông nghiêp hữu cơ Đồng Phú để cung cấp các sản phẩm an toàn và thân thiện môi trường.

Để sử dụng Nhãn hiệu tập thể, yêu cầu các nông dân phải tham gia vào nhóm nông dân có sự quản lý hoạt động sản xuất và chế biến nông sản. Nhóm nông dân này về cơ bản được thành lập theo nhóm để quản lý một khu ruộng (các ruộng liền thửa) trên cánh đồng mà mỗi thành viên của nhóm canh tác. Mỗi thành viên của nhóm nông dân có trách nhiệm tuân thủ quy định dưới đây và chứng minh sự tuân thủ các quy định bằng việc ký vào Thỏa thuận quản lý canh tác của nhóm nông dân.

TT.

Quy định

1

[R] Quản lý đất: Cấm sử dụng hóa chất nông nghiệp. (Nông dân được khuyến khích cải thiện chất lượng đất mà không sử dụng các vật liệu hóa chất)

2

[R] Giống: Sử dụng các loại giống có trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, cấm dùng giống cây trồng biến đổi gen.

3

[R] Phân bón (bao gồm chất bón, chất bổ sung): Chỉ sử dụng phân bón hữu cơ như phân chuồng, phân xanh đã được ủ hoại mục. Cấm sử dụng phân bón hóa học, phân người, chất kích thích sinh trưởng hóa học. Cấm sử dụng phân ủ từ rác thải bệnh viện hoặc khu công nghiệp.

4

[R] Nước tưới: Dùng nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm để tưới. Cấm dùng nước thải công nghiệp, nước thải từ các bệnh viện, các khu dân cư, các trang trại chăn nuôi, các lò giết mổ gia súc gia cầm, nước phân tươi, nước giải chưa qua xử lý để tưới. Phải đảm bảo nước bị ô nhiễm từ ruộng lúa khác không chảy vào ruộng của gia đình mình.

5

[E] Cấy: Cấy theo kỹ thuật lúa SRI (Hệ thống canh tác lúa cải tiến), cấy mạ non (2,5 lá) và cấy 1 dảnh/khóm với khoảng cách 20cm x 20cm

6

[R] Thuốc bảo vệ thực vật: Cấm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ nấm. Chỉ được sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật tự chế (tự nhiên) hoặc thuốc trừ sâu sinh học hoặc các loại thảo mộc được cho phép nếu cần thiết. Trừ cỏ bằng tay là chính hoặc sử dụng máy làm cỏ, không sử dụng thuốc trừ cỏ.

7

[R] Thu hoạch: Thu hoạch lúa trong điều kiện thích hợp, đảm bảo thời gian cách ly sau khi sử dụng vật liệu bảo vệ thực vật tự nhiên, bảo vệ thực vật sinh học hoặc các loại thảo mộc. Loại bỏ các lúa lẫn và cỏ dại trước khi thu hoạch, thu hoạch khi lúa chín tới.

Đựng lúa trong bao bì hoàn toàn mới, màu trắng không có chữ. Vệ sinh phương tiện vận chuyển trước khi vận chuyển lúa. Vệ sinh máy phụt trước khi phụt lúa đảm bảo không lẫn giống khác, đất đá, sỏi sạn.

8

[R] Phơi khô. Phơi, sấy khô lúa ngay sau khi thu hoạch đến độ ẩm bảo quản (12-13%), Phơi lúa sau khi thu hoạch tại nơi an toàn và sạch sẽ (cấm phơi lúa ngoài đường tránh lẫn sỏi sạn...)

9

[R] Bảo quản sau thu hoạch: Lúa đã được quạt sạch sau khi phơi khô hoặc sấy cần được  bảo quản ở nơi sạch sẽ và thoáng mát. Kho bảo quản lúa phải tách biệt với các kho chứa nguyên vật liệu khác như xăng, dầu mỡ,..

Nông dân phải vệ sinh kho sạch sẽ trước khi đưa lúa vào bảo quản. Vệ sinh kho chứa lúa ít nhất 1 lần/ 1 tuần

10

[R] Chế biến gạo: Vệ sinh sạch sẽ khu vực máy xay xát, dụng cụ xay xát. Không bao giờ sử dụng vật liệu hóa chất tại nơi xay xát.

11

[R] Đóng gói: khu vực đóng gói phải dọn sạch, rửa tay và che tóc khi đóng gói, ngăn chặn bất kỳ ô nhiễm của các chất lạ (như côn trùng, tóc, đá, rác).

Cân đúng khối lượng, ghi thông tin đầy đủ trên túi gạo theo quy định.

12

[R] Người sản xuất: Người sản xuất phải nghiên cứu cá kiến thức và yêu cầu kỹ thuật của sản xuất lúa theo Phương thức nguyên tắc hữu cơ PAMCI (được định nghĩa dưới đây) ít nhất một lần trước khi kết nạp vào nhóm nông dân. Người sản xuất phải tham gia hội nghị và hội thảo do Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ tổ chức.

13

[R] Ghi chép và lưu trữ hồ sơ: Nông dân sản xuất lúa phải ghi chép và lưu trữ đầy đủ trong hồ sơ các tiêu chí như tên người sản xuất chính, vị trí lô thửa, diện tích, nhật ký gieo cấy, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chế biến và bán sản phẩm theo mẫu.

Nông dân nên lưu giữ Hồ sơ ít nhất hai năm hoặc lâu hơn. Nông dân phải tự thẩm định và kiểm tra việc ghi chép sổ sách lẫn nhau. Trưởng nhóm nông dân phải thường xuyên kiểm tra việc ghi chép và lưu trữ hồ sơ để xem đã đạt yêu cầu hay chưa. Nếu chưa đạt phải có biện pháp khắc phục và phải ghi lại trong hồ sơ.

14

[R] Xử lý rác thải: Những người sản xuất không nên xả bất kỳ loại rác thải nào trên đồng ruộng. Nếu người sản xuất thấy có rác trên đồng lúa, mỗi nông dân cần phải có trách nhiệm nhặt rác và bỏ vào thùng.

Thu gom rác thải xung quanh khu vực sản xuất, chế biến gạo thường xuyên để tránh gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Chú thích:

[R] Yêu cầu phải tuân thủ: Nếu bất kỳ nông dân nào vi phạm các quy tắc trên thì việc tiêu thụ sản phẩm sẽ bị từ chối.

[E] Khuyến khích thực hiện: Các nông dân được khuyến khích thực hiện quy định nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Phương thức nguyên tắc hữu cơ PAMCI đề cập đến các kỹ thuật canh tác lúa mà không sử dụng bất kỳ hóa chất nông nghiệp nào trong sản xuất, được HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú áp dụng./.

Hà Thúy Tuyển – Trạm KN Chương Mỹ (Theo HTX NN Hữu Cơ Đồng Phú)