Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hướng dẫn biện pháp phòng, chống sâu keo mùa thu hại ngô

Loài sâu keo mùa thu thuộc Bộ cánh vảy (Lepidoptera), họ ngài đêm (Noctuidea). Trứng có hình cầu, đường kính 0,75 mm. Trứng mới đẻ có màu xanh, sau đó chuyển sang màu trắng sữa, trước khi nở chuyển sang màu nâu nhạt.



I. Một số đặc điểm hình thái, sinh học, sinh thái

  1. Đặc điểm hình thái

Loài sâu keo mùa thu thuộc Bộ cánh vảy (Lepidoptera), họ ngài đêm (Noctuidea).

Trứng có hình cầu, đường kính 0,75 mm. Trứng mới đẻ có màu xanh, sau đó chuyển sang màu trắng sữa, trước khi nở chuyển sang màu nâu nhạt.

Sâu non có 6 tuổi; tùy theo môi trường thức ăn, sâu non có màu nâu nhạt - xanh đen, với các sọc dọc thân. Kích thước sâu non tuổi 1 dài khoảng 0,5 mm, lên tuổi 3 sâu non dài 6-9 mm; tuổi 6 đẫy sức sâu non dài 30-40 mm. Trên trán sâu non tuổi lớn nhìn rõ hình chữ Y ngược màu vàng, mặt lưng màu đen với lông cứng dài. Trên mặt lưng, đốt bụng cuối có bốn đốm đen được sắp xếp thành hình vuông, trong khi các đốt khác có 4 đốm đen xếp thành hình thang.

Nhộng sâu keo mùa thu dạng nhộng bọc, màu nâu cánh gián sáng bóng. Nhộng đực dài 13-15 mm còn nhộng cái dài 16-17 mm. Đốt bụng cuối cùng có 2 gai.

Trưởng thành đực có chiều dài trung bình 16 mm, sải cánh trung bình 37 mm. Phần cánh trước lốm đốm nâu nhạt, xám với một đốm hình bầu dục màu xám trắng -vàng rơm. Cánh trước của trưởng thành cái không có hoa văn rõ ràng.

  1. Đăc điểm sinh học

Trưởng thành sống trung bình 12-14 ngày, hoạt động về ban đêm. Từ khi vũ hóa đến đẻ trứng có thể bay nhiều km để tìm nơi đẻ trứng, chúng có thể di chuyển xa hàng trăm ki-lô-mét nhờ gió.

Trưởng thành đẻ trứng vào ban đêm, đẻ thành ổ xếp thành hai lớp trứng là chủ yếu. Mỗi ổ trứng khoảng 100 - 200 quả được bao phủ bởi một lớp lông màu hồng - xám. Một trưởng thành cái có sức đẻ từ 1.000-2.000 trứng. Vị trí ổ trứng thường ở mặt trên của phiến lá hoặc cạnh cuống lá. Thời gian trứng nở sau 2-10 ngày, trung bình 2-4 ngày ở nhiệt độ 20-30°C.

Sâu non là giai đoạn gây hại của sâu keo mùa thu. Thời gian pha sâu non kéo dài 14-21 ngày, nếu độ ẩm cao, nhiệt độ thấp thì thời gian pha sâu non kéo dài khoảng 30 ngày.

Nhộng vũ hóa phần lớn trong đất ở độ sâu 2-8 cm, một số ít trường hợp bắt gặp hóa nhộng giữa các lá, nách bẹ lá của cây ký chủ hoặc trong bắp ngô. Thời gian pha nhộng 7-13 ngày.

  1. Đặc điểm gây hại

Chỉ pha sâu non gây hại trên cây trồng, sâu non tuổi 1-2 ăn biểu bì ở mặt dưới của lá non, gây ra các vết hình vuông hoặc hình chữ nhật màu trắng đặc trưng. Sâu non tuổi lớn hơn ăn khuyết lá, bẹ lá tạo thành các lỗ lớn như “cửa sổ”.

  1. Biện pháp phòng chống

Phòng chống sâu keo mùa thu bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, gồm: Biện pháp canh tác, biện pháp thủ công, biện pháp sinh học, biện pháp bẫy bả, biện pháp hoá học.

  1. a) Biện pháp canh tác

- Làm sạch cỏ dại xung quanh vườn trồng ngô để hạn chế nơi trú ẩn của sâu.

- Làm đất rồi phơi đất khô để ấu trùng, nhộng trong đất chết hoặc dễ dàng bị thiên địch tiêu diệt.

- Luân canh ngô - lúa nước ngay sau vụ ngô để diệt nhộng trong đất. Làm đất kỹ cũng góp phần diệt nhộng trong đất.

  1. b) Biện pháp thủ công

Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt ở giai đoạn ngô 3-6 lá để phát hiện ổ trứng, ngắt tiêu hủy.

  1. c) Biện pháp sinh học

- Hạn chế sử dụng thuốc BVTV hóa học để bảo vệ thiên địch của sâu keo mùa thu.

- Sử dụng chế phẩm nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn Bt, virus NPV để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ.

- Nhân thả ong ký sinh trứng (ong mắt đỏ, ...), các loài bắt mồi ăn thịt như bọ đuôi kìm để kiểm soát sâu non mới nở - tuổi nhỏ.

  1. d) Biện pháp bẫy, bả

- Bẫy bả, bẫy đèn: Sử dụng bẫy dính màu vàng có pheromone giới tính, bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy đèn để diệt trưởng thành.

- Bẫy cây trồng: Trên cánh đồng trồng ngô, trồng một số diện tích cỏ voi, ngô nếp sớm hơn so thời vụ chung để dẫn dụ trưởng thành đến đẻ trứng. Sử dụng bẫy diệt trưởng thành, ngắt ổ trứng và phun trừ sâu non trên các diện tích bẫy cây trồng.

  1. e) Biện pháp hóa học

- Sử dụng các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng để phun trừ khi sâu đa số tuổi 1-3 (lưu ý giai đoạn ngô 3-6 lá), phun vào sáng sớm hoặc chiều mát.

- Sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng.

- Hiện nay danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam chưa có thuốc đăng ký trừ sâu keo mùa thu. Theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật tại công văn số 1066/BVTV-QLT ngày 03/5/2019 về việc sử dụng tạm thời thuốc phòng trừ sâu keo mùa thu, khuyến cáo sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Bacillus thuringiensis, Spinetoram, Indoxacarb và Lufenuron để phòng trừ sâu keo mùa thu.

 Cách làm bẫy bả chua ngọt diệt trưởng thành sâu keo mùa thu

            - Nguyên liệu: Lấy 4 phần mật mía trộn với 4 phần dấm, 1 phần rượu và 1 phần nước (nếu dùng bỗng rượu thay cho dấm để làm bả thì không cần cho rượu).

            - Làm bẫy:

            + Pha theo tỷ lệ 5ml thuốc trừ sâu (nên chọn thuốc độc qua đường miệng, không có mùi, pha gấp đôi so với liều lượng khuyến cáo sử dụng để phun ghi trên bao bì) với 1,5lít dung dịch chua ngọt. Thuốc dạng bột cần hoà tan trước khi pha với dung dịch chua ngọt.

            + Dùng giẻ, bông, bùi nhùi hoặc xốp thấm nước tốt, tẩm đẫm dung dịch bả hoặc rót dung dịch bả độc vào đĩa, cốc, lọ nhựa rộng miệng (sao cho trưởng thành bay vào hút dung dịch và bay ra được) rồi đặt dưới vật che chắn không để nước mưa rơi vào làm loãng bả.

            - Đặt bẫy:      

            + Đặt bẫy trước khi trồng ngô, trong vụ và cả sau khi thu hoạch ngô để diệt trưởng thành.

            + Tuỳ khả năng đặt bẫy càng nhiều, càng rộng thì hiệu quả diệt trừ càng cao, thông thường có thể đặt 50-100 bẫy/ha. Khi ngô mới trồng có thể đặt bẫy trực tiếp trên mặt ruộng; khi ngô cao nên đặt bẫy cao hơn mặt lá ngô trên ruộng 10-20cm.

            - Cơ chế của bẫy bả:

            + Dung dịch chua ngọt hấp dẫn trưởng thành đến hút mật (trưởng thành có tập tính ăn thêm trước khi giao phối, đẻ trứng); thuốc BVTV làm trưởng thành ngộ độc chết.

            + Chọn thuốc BVTV trừ sâu bộ cánh vảy, có tác dụng vị độc, không mùi cho hiệu quả cao hơn./.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội