Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc Oai tập trung phát triển kinh tế nông thôn

Đến nay, huyện Quốc Oai đã có 79 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề được thành phố công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) từ 3 đến 4 sao. Đây là điều kiện thuận lợi để Quốc Oai mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.



Năm 2019, khi triển khai Chương trình OCOP, huyện Quốc Oai đã tập trung rà soát các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế thuộc 6 nhóm ngành hàng là thực phẩm, đồ uống, may mặc, du lịch, dược liệu và thủ công mỹ nghệ.

Trên cơ sở đó, huyện xác định tập trung vào các nhóm ngành có tiềm năng cao như thực phẩm và thủ công mỹ nghệ để xây dựng thành sản phẩm OCOP. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm, ban đầu, một số cơ sở sản xuất trên địa bàn còn nghi ngại về hiệu quả của chương trình. Sau khi được tuyên truyền, tham quan học tập và hướng dẫn quy trình xây dựng sản phẩm, các chủ thể đều nhận thấy Chương trình OCOP giúp nâng cao giá trị sản xuất, nâng tầm thương hiệu sản phẩm... Nhờ đó, sau 3 năm triển khai, đến nay, toàn huyện đã phát triển được 79 sản phẩm OCOP thuộc 60 chủ thể. Trong đó có 51 sản phẩm được phân hạng 4 sao, 28 sản phẩm 3 sao.

Là đơn vị có sản phẩm được chấm điểm OCOP đạt 4 sao, ông Hoàng Doãn Hòa, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở xã Tân Phú cho biết, nhờ tham gia Chương trình OCOP, doanh thu của cơ sở đạt hàng tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động trên địa bàn với mức thu nhập 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình ông Hòa làm ra như: Tranh tứ quý, hoành phi câu đối, bàn thờ ô sa, ngai thờ, cuốn thư... có tính mỹ thuật, độ tinh xảo cao nên nhận được nhiều đơn đặt hàng của khách.

Còn ông Nguyễn Danh Thế, chủ cơ sở sản xuất miến dong Thế Nga làng So (xã Tân Hòa) khẳng định: “Tham gia Chương trình OCOP mang lại nhiều lợi ích cho các cơ sở sản xuất. Nhờ chương trình này, tôi đã mạnh dạn đổi mới quy trình sản xuất, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đổi mới mẫu mã sản phẩm. Đặc biệt, tôi được tham gia hội chợ giới thiệu sản phẩm và kết nối với các doanh nghiệp để mở rộng thị trường bao tiêu hàng hóa”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết, hiện nay huyện đã quy hoạch được các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, như: Vùng trồng cây ăn quả 1.210 ha, vùng nuôi thủy sản 1.245 ha, vùng chăn nuôi xa khu dân cư quy mô khép kín khoảng 100 ha. Ngoài ra, toàn huyện còn có 101 làng có nghề, trong đó 17 làng đã được công nhận làng nghề truyền thống… Đây là tiềm năng lớn để huyện phát triển thêm sản phẩm OCOP, đồng thời xác định Chương trình OCOP là nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững, tạo nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Trước mắt, huyện chỉ đạo Phòng Kinh tế rà soát, lựa chọn 30 - 35 sản phẩm đủ điều kiện để trình thành phố đánh giá, phân hạng, cấp sao OCOP trong tháng 8 và tháng 11 năm 2022.

Để nâng tầm sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, huyện Quốc Oai đã xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, huyện đang xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thương hiệu hàng hóa và liên kết sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP ra các tỉnh, thành phố, đồng thời hướng tới xuất khẩu./.

TA (Theo Báo HNM)