Nguyên tắc 1: Ngăn chặn gà tiếp xúc với mầm bệnh
Mầm bệnh tiếp xúc với gà đến từ nhiều nguồn như: gà bị bệnh, thức ăn, nước uống nhiễm mầm bệnh, chất độn chuồng, dụng cụ chăn nuôi nhiễm mầm bệnh, phương tiện vận chuyển nhiễm mầm bệnh, chuột, côn trùng, chim hoang dã,… Để ngăn chặn các nguồn lây nhiễm này, chuồng trại cần được vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo ánh sáng, không khí thông thoáng, khô ráo, ấm áp về mùa đông, mát mẻ về mùa hè.
Đặc biệt, chuồng trại phải che được gió lùa, mưa tạt, tránh để gà bị dính nước mưa. Các dụng cụ chăn nuôi như máng thức ăn, máng nước phải được cọ rửa, sát trùng thường xuyên. Chất độn trong chuồng cũng nên thay mới theo định kỳ. Tốt nhất nên nuôi mỗi lứa cách nhau từ 15- 20 ngày, không nên nuôi liền kề nhau dễ dẫn đến phát sinh dịch bệnh.
Nguyên tắc 2: Nâng cao sức đề kháng cho gà
Bà con cần chú ý cho gà ăn khẩu phần đủ chất dinh dưỡng, thức ăn không ẩm mốc, không biến chất. Nước uống sạch, không có độc tố và thay thường xuyên tránh để gà mắc các bệnh về tiêu hóa.
Tiêm phòng triệt để với các loại vắc xin. Bổ sung thêm các loại vitamin, chất khoáng, chất điện giải giúp gà tăng thêm sức đề kháng. Bà con cần áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, theo dõi sức khỏe thường xuyên và thải loại những con gà ốm yếu ra khỏi đàn.
Ngoài ra, bà con cần tìm hiểu để có thể chẩn đoán và phòng trị một số bệnh thường gặp trên đàn gà trong mùa mưa như: bệnh cúm gia cầm, Newcastle, viêm đường hô hấp mãn tính (CRD), tụ huyết trùng,… để có biện pháp trị bệnh cho gà kịp thời, phù hợp./.
Lê Thị Thu Hiền - Trạm KN Sơn Tây (TH)