Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phát triển sinh vật cảnh gắn kết với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm

Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội và Hội Sinh vật cảnh Hà Nội phối hợp tổ chức giao lưu gặp gỡ báo chí truyền thông với nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn tiêu biểu đồng hành cùng Festival sinh vật cảnh Hà Nội 2024.



Theo Ban tổ chức, đến cuối năm 2023, thành phố Hà Nội có trên 8.100 ha chuyên canh hoa, cây cảnh, đạt giá trị sản xuất khoảng 7.000 tỷ đồng. Trong đó 70% diện tích được canh tác tập trung tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín. Nhiều mô hình trồng hoa, cây cảnh ứng dụng tiến bộ mới về giống, quy trình chăm sóc nên năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Giá trị sản xuất hoa, cây cảnh ở Hà Nội đạt trung bình 0,5 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm. Hà Nội đã hình thành được 47 vùng sản xuất hoa (tổng diện tích hơn 1.800 ha), với quy mô 10 - 20ha/vùng tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín, Gia Lâm… Trong đó, diện tích trồng hoa chất lượng cao chiếm hơn 30% và đang được nhân rộng trong năm nay. Nhiều loại hoa như cúc, ly, lan… đã được xuất khẩu.

Phát huy tiềm năng, lợi thế, Thành phố đã ban hành Đề án phát triển sản xuất hoa, cây cảnh từ năm 2012 với mục tiêu mở rộng diện tích canh tác hoa cây cảnh với tốc độ mở rộng 60 - 80 ha/năm; tập trung phát triển sản xuất các loại hoa có giá trị kinh tế cao, như: Hồng, đào, lily, lan. Phấn đấu tăng trưởng bình quân hằng năm từ 5 đến 10% năng suất và giá trị sản xuất hoa, cây cảnh.

Trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025" cũng xác định, Thành phố sẽ tăng diện tích hoa, cây cảnh 8.500 - 9.000 ha. Mục tiêu của Thành phố là quy hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các địa phương, trong đó có làng nghề hoa, cây cảnh; tổ chức lại sản xuất, kinh doanh; tăng cường xúc tiến thương mại gắn kết với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm.

Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, việc phát triển ngành sinh vật cảnh sẽ góp phần bảo tồn những cảnh quan truyền thống, mảng xanh thực vật, các khu di tích lịch sử, và kiến tạo những không gian xanh trong không gian đô thị của Thủ đô. Sinh vật cảnh đóng một vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh tại Hà Nội.

Theo hướng này, Thành phố sẽ phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất sinh vật cảnh giai đoạn 2022 - 2030 đạt khoảng 10%/năm. Giá trị sản xuất hoa, cây cảnh năm 2025 đạt khoảng 10.000 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt khoảng 15.000 -20.000 tỷ đồng; giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng hoa, cây cảnh đạt bình quân khoảng 700 - 750 triệu đồng/năm. Đồng thời từng bước phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người sản xuất và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân Thủ đô.

Festival sinh vật cảnh năm 2024 Hà Nội mở rộng sẽ diễn ra từ ngày 30 -18/9/2024. Chương trình có sự tham gia của các tỉnh, thành phố trong cả nước, đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Đây là cơ hội thúc đẩy kết nối giao thương, mở rộng thị trường phát triển sinh vật cảnh Thủ đô với cả nước, thị trường sinh vật cảnh trong nước với khu vực và thế giới; tôn vinh những sáng tạo của giới nghệ nhân, thợ giỏi, doanh nhân và các chủ thể trong lĩnh vực sinh vật cảnh./.

NT (Theo Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội)