Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phát triển sản xuất nông nghiệp Hà Nội: Tập trung vào những khâu đột phá lớn

Một trong những chỉ tiêu trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đề ra đó là tốc độ tăng trưởng nông, lâm nghiệp, thủy sản từ 2,5-3%/năm.



Để đạt được mức tăng trưởng này, song song phát huy kết quả đạt được, thành phố sẽ thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, nhất khâu đột phá lớn, giúp nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và thu nhập cho nông dân.

Đổi thay toàn diện

Đến hai xã Tân Hưng và Minh Trí (huyện Sóc Sơn) sau gần 10 năm thí điểm công tác dồn điền đổi thửa chắc hẳn nhiều người đều ngỡ ngàng trước sự đổi thay của nền sản xuất ở các địa phương này. Chỉ tay về cánh đồng rau màu bạt ngàn màu xanh, chị Nguyễn Thị Hương, ở xã Tân Hưng hồ hởi: “Những thửa ruộng trũng, khô hạn nhỏ lẻ manh mún trước đây được cán phẳng đều tăm tắp. Đất đai ở đây cũng được quy hoạch theo từng khu, từng khoảnh, giao cho mỗi hộ, tạo thuận lợi cho việc thực hiện cơ giới hóa, giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu suất lao động, tạo điều kiện cho việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung chuyên canh quy mô lớn”. Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh cho biết, trước đây 2 địa phương trên trung bình mỗi hộ có 18 ô thửa, thậm chí 25 thửa ruộng ở tất cả các cánh đồng, thì nay đã rút xuống thành 1-2 ô thửa. Tất cả các thửa ruộng đều có đường giao thông rộng từ 4 đến 8m chạy qua và có hệ thống kênh dẫn nước đến từng thửa ruộng.

Ông Phạm Văn Minh cho biết, sau khi thực hiện thành công ở 2 xã làm điểm, huyện Sóc Sơn đã quyết định tổ chức mở rộng công tác dồn điền đổi thửa tại các xã còn lại. Đến nay, toàn huyện đã dồn điền đổi thửa được gần 11.000ha. Sau dồn đổi, huyện Sóc Sơn tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Nhờ tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là thay đổi tư duy từ sản xuất manh mún sang sản xuất tập trung, giá trị sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản của huyện đã đạt 245 triệu đồng/ha, tăng 155 triệu đồng so với năm 2010. Sóc Sơn cũng đã xây dựng phát triển được 5 sản phẩm rau hữu cơ, bưởi sạch Sóc Sơn, chè Bắc Sơn, gà đồi Sóc Sơn, nếp cái hoa vàng Sóc Sơn. Ngoài ra, huyện có trên 10 thương hiệu hàng nông sản do các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ sản xuất xây dựng và trên 100 chủng loại sản phẩm nông sản sạch được truy xuất nguồn gốc QRcode…

Bắt tay vào thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015-2020) Đảng bộ thành phố Hà Nội, không riêng Sóc Sơn, căn cứ vào thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu, các huyện khu vực ngoại thành Hà Nội cũng đã lựa chọn các khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Chẳng hạn như huyện Thường Tín chú trọng trồng lúa chất lượng cao chuyên canh để xây dựng và triển khai các đồng mẫu lớn. Theo Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh, đến nay, toàn huyện có 1.745ha trồng lúa chất lượng cao tại các xã: Nguyễn Trãi, Thắng Lợi, Hòa Bình, Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến, Văn Tự… Huyện Thường Tín cũng đã mở rộng vùng trồng rau an toàn chuyên canh tập trung với diện tích 545ha tại các xã: Tân Minh, Hà Hồi, Thư Phú, Liên Phương, Tự Nhiên…

Hay huyện Thạch Thất cũng mở rộng diện tích trồng cây ăn quả giá trị kinh tế cao quy mô 300ha tại các xã: Bình Yên, Kim Quan, Lại Thượng, Yên Bình; vùng trồng hoa cảnh, cây cảnh quy mô 50ha tại xã Đại Đồng và Yên Bình… Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng phấn khởi cho biết: Trên địa bàn huyện có 5 mô hình ứng dụng công nghệ cao, trong đó, mô hình nuôi lợn rừng có quy mô trên 10.000 con, trồng rau hữu cơ, rau bản địa dưới tán rừng trên diện tích 27ha ở xã Yên Bình và Yên Trung…

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố, 5 năm qua, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã có bước phát triển tương đối toàn diện. Trong những năm qua, mặc dù thời tiết diễn biến bất thường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến thiên tai, dịch bệnh, hạn hán, song với sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, sự điều hành của UBND thành phố, sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành và người dân, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng bình quân 2,54%/năm; giá trị sản xuất đạt 280 triệu đồng/ha/năm, tăng 1,21 lần so với năm 2015.

Lựa chọn các mũi nhọn tạo đột phá mới

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển sản xuất nông nghiệp của Hà Nội còn một số hạn chế. Đó là, chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Sản xuất nông nghiệp quy mô lớn còn ít, tăng trưởng nông nghiệp còn thấp. Việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn là mối lo của người tiêu dùng Thủ đô. Các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông sản chưa nhiều, chưa có nông sản hàng hóa có thương hiệu mạnh phục vụ mục tiêu xuất khẩu. Công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn ít. Chưa xây dựng được nhiều cơ sở giết mổ tập trung, bảo đảm an toàn thực phẩm gây khó khăn cho việc thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp còn hạn chế trong việc thu hút được các hộ, doanh nghiệp đầu tư, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Nhận diện những cơ hội và thách thức trong giai đoạn mới, trên cơ sở những kết quả đạt được, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, khâu đột phá lớn, nhất là các mũi nhọn để hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đề ra. Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong thời gian tới là căn cứ vào các đề án, kế hoạch của UBND thành phố cụ thể hóa Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Sở sẽ chỉ đạo thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Hà Nội theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; bảo quản, chế biến nông sản.

Cùng với đó, Sở Nông nghiệp & PTNT sẽ quản lý và sử dụng hiệu quả thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa nông sản đã được bảo hộ; đăng ký bảo hộ các thương hiệu, nhãn hiệu ra nước ngoài. Đồng thời tiếp tục xây dựng và phát triển thêm một số thương hiệu nông sản hàng hóa mới có lợi thế của Thủ đô. Ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ có công nghệ cao hỗ trợ trong khâu tạo giống, làm đất, bón phân, bảo vệ thực vật... để cho năng suất, chất lượng tốt nhất.

“Chúng tôi cũng sẽ kiên định mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuyên canh tập trung quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, bền vững kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng sẽ tích cực hơn nữa liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu trong và nước để nghiên cứu, chuyển giao khoa học, nhất là khoa học công nghệ có hàm lượng chất xám cao đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ”, ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh./.

Theo Cổng GTĐT Hà Nội