Bám sát tiến trình phát triển đô thị
Theo định hướng quy hoạch chung của thành phố Hà Nội, thành phố sẽ thực hiện quy hoạch lại không gian phát triển nông nghiệp theo bốn khu vực. Cụ thể, khu vực 1, vùng nội đô lịch sử, xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp đô thị nhằm tạo không gian xanh, tạo cảnh quan môi trường sinh thái và tận dụng giải quyết một phần rác hữu cơ trong đô thị.
Khu vực 2, vùng đô thị mở rộng gồm diện tích trong Vành đai 4, bao gồm cả 5 huyện đang thực hiện đề án phát triển lên quận, các huyện định hướng phát triển theo mô hình thành phố trong thành phố và phạm vi vùng ven thuộc các huyện tương lai chuyển đổi mạnh sang đô thị. Nông nghiệp khu vực này tập trung khai thác hiệu quả quỹ đất để ứng dụng các mô hình sản xuất phù hợp, xây dựng mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, tạo hành lang xanh cải thiện môi trường sống...
Khu vực 3, vùng phạm vi quy hoạch 5 đô thị vệ tinh và các vùng phụ cận, định hướng phát triển sản xuất gắn với bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ, làng nghề, gắn với du lịch giáo dục, trải nghiệm. Khu vực 4, vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm gồm các vùng còn lại như Ba Vì, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất... quy hoạch thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản trong vùng đồng bằng sông Hồng. Đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa nông nghiệp với công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, bảo quản, chế biến.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, phương án quy hoạch ngành nông nghiệp Thủ đô được định hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo vùng tập trung phù hợp với điều kiện ba vùng sinh thái đồi gò, đồng bằng và bãi ven sông. Tùy theo từng vùng, các địa phương áp dụng các mô hình phát triển phù hợp; đa dạng loại hình sản xuất, kết hợp đa lĩnh vực du lịch, sinh thái, giáo dục, bảo vệ môi trường, nhất là chú trọng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, để tạo động lực phát triển ứng dụng công nghệ cao, thành phố quy hoạch các khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong các quy hoạch, bảo đảm quỹ đất ổn định để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp.
Động lực thúc đẩy kinh tế nông nghiệp
Hiện, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tập trung triển khai xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm... gắn với phát triển du lịch sinh thái. Ông Nguyễn Xuân Dưỡng, ở xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai) chia sẻ, với 3.000 m2 nhà lưới trồng hơn 100 giống hoa lan các loại, doanh thu mỗi năm của gia đình ông đạt 1,5 - 1,6 tỷ đồng. Cứ mỗi dịp Tết đến, trang trại của gia đình ông trở thành điểm đến thu hút khách du lịch tham quan và mua hoa.
Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, những năm gần đây, Thanh Oai đã tập trung quy hoạch bài bản các vùng sản xuất nông nghiệp song song với triển khai cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn. Đến nay, huyện đã hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung với diện tích hơn 3.000 ha; vùng trồng cây ăn quả 300 ha; vùng trồng rau an toàn hơn 100 ha; vùng nuôi trồng thủy sản 300 ha. Cùng với đó, huyện duy trì hiệu quả chuỗi gạo thơm Bối Khê, thịt lợn AZ, trứng vịt Liên Châu… Việc thực hiện quy hoạch nông nghiệp không chỉ tạo ra vùng sản xuất quy mô lớn, nâng cao giá trị sản phẩm mà còn thu hút DN vào đầu tư.
Còn tại huyện Đông Anh, với lộ trình phát triển thành một quận của thành phố, diện tích đất nông nghiệp sẽ ngày một thu hẹp, huyện tập trung quy hoạch sản xuất ở các xã có thế mạnh về nông nghiệp, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh để tăng năng suất. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho hay, đến nay, toàn huyện có 40 mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín.
Trong đó, 10 tổ chức, cá nhân thực hiện ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau an toàn và hoa lan với diện tích 2,45 ha; sản xuất rau an toàn theo mô hình VietGAP, sản xuất hữu cơ với 20 ha. Ngoài ra, huyện đã hình thành vùng trồng hoa - cây cảnh với diện tích 150 ha; vùng cây ăn quả được Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất quả an toàn với diện tích khoảng 50 ha./.
NT (Theo Báo KTĐT)