Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phát triển nông nghiệp đô thị xanh, sinh thái bền vững

Trong Luật Thủ đô năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua, sinh vật cảnh có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển Thủ đô "sáng, xanh, sạch, đẹp" và phát triển ngành nông nghiệp sinh thái bền vững.



Triển khai nội dung trên, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã tổ chức xây dựng Đề án nông nghiệp đô thị, trong đó, hoạt động sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh là nhóm ngành ưu tiên để ứng phó với biến đổi khí hậu và tốc độ đô thị hóa nhanh. Cùng với đó là việc phát triển diện tích hoa, cây cảnh, kết hợp với xúc tiến thương mại và du lịch nông thôn…

Cây cảnh nghệ thuật từ lâu là thú chơi cầu kỳ, giàu giá trị thẩm mỹ và cho giá trị kinh tế rất cao. Những cây cảnh nghệ thuật cũng góp phần tô điểm cho cảnh quan ngôi nhà, mang đến không gian xanh trong đô thị. Ông Nguyễn Tiến Dũng, thành viên Hợp tác xã hoa cây cảnh Hồng Vân, huyện Thường Tín chia sẻ: Thú chơi hoa, cây cảnh đã có từ lâu đời, giàu giá trị nghệ thuật. Việc phát triển nghề hoa, cây cảnh trong bối cảnh hiện tại sẽ mang lại giá trị kinh tế cao, thúc đẩy tiềm năng phát triển của nghề sinh vật cảnh.

Xác định rõ sinh vật cảnh có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển Thủ đô "sáng, xanh, sạch, đẹp", nghệ nhân Tạ Huỳnh, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất cho biết, việc tổ chức Festival sinh vật cảnh năm 2024 vừa qua cũng là cơ hội để quảng bá và thúc đẩy phát triển nghề sinh vật cảnh của TP. Hà Nội.

Ông Nguyễn Gia Thọ, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Hà Nội cho biết: Sinh vật cảnh là thú chơi tao nhã, giàu tính nghệ thuật, kết tinh những giá trị văn hóa - nghệ thuật độc đáo và những sáng tạo tài hoa của con người. Với đa dạng hóa các thú chơi sinh vật cảnh vừa mang phong cách truyền thống vừa hiện đại, là cơ hội để giáo dục và lan tỏa tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường, kiến tạo không gian sống trong lành và sự phát triển bền vững.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội, Hà Nội hiện dẫn đầu cả nước về quy mô và giá trị sinh vật cảnh với hơn 8.100 ha chuyên canh hoa, cây cảnh, đạt giá trị sản xuất khoảng 7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 70% diện tích được canh tác tập trung tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín. Nhiều mô hình trồng hoa, cây cảnh ứng dụng tiến bộ mới về giống, quy trình chăm sóc, nên năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Hoa, cây cảnh là cây trồng giá trị kinh tế cao, vừa tăng thu nhập cho nông dân, giúp tăng mảng xanh thực vật, làm đẹp cho Thủ đô, vừa kết hợp được với du lịch cho chính người dân đô thị.

Bên cạnh đó đã hình thành 47 vùng sản xuất hoa, với nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; công nhận 14 làng nghề hoa, cây cảnh và có 36 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Theo đó, Hà Nội phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất sinh vật cảnh giai đoạn 2022 - 2030 đạt khoảng 10%/năm. Giá trị sản xuất hoa, cây cảnh năm 2025 đạt khoảng 10 nghìn tỷ đồng, đến năm 2030 đạt khoảng 15- 20 nghìn tỷ đồng; giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng hoa, cây cảnh đạt bình quân khoảng 700 - 750 triệu đồng/năm.

Đồng thời từng bước phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người sản xuất và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân Thủ đô.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, Thành phố hiện có khoảng 198 nghìn ha đất nông nghiệp. Nhưng do ảnh hưởng của tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Mặc dù vậy, nền nông nghiệp Thủ đô lại có lợi thế lớn, khi có thị trường khoảng 10 triệu dân, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rất lớn. Vì vậy, Hà Nội tập trung phát triển nông nghiệp đô thị với các giải pháp về công nghệ, sinh thái để nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích chật hẹp, tạo không gian xanh cho đô thị, tận dụng thị trường tại chỗ, tăng thu bằng kết hợp du lịch. Ðây là chiến lược để phát triển nông nghiệp Hà Nội theo hướng bền vững.

Để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra về xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, Ban Chỉ đạo chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" đã và đang chỉ đạo tiếp tục thực hiện cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm diện tích trồng lúa, tập trung phát triển lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng; mở rộng diện tích trồng rau, tăng diện tích hoa, cây cảnh.

Quá trình đô thị hóa nhanh chóng và biến đổi khí hậu là những thách thức lớn đối với khu vực nông thôn Hà Nội. Thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy, UBND Thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ cho từng năm, từng địa phương, từng sở, ngành kèm theo kinh phí để thực hiện; ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025; ban hành Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới; quy đinh thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.

Từ năm 2021 đến nay, Ban Chỉ đạo Thành phố đã tiến hành kiểm tra tiến độ thực hiện chương trình tại các huyện, thị xã; tổ chức họp giao ban định kỳ hàng quý để đánh giá tiến độ, kết quả chỉ đạo và tổ chức thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch, mục tiêu chương trình đề ra. Công tác tuyên truyền triển khai xuống các huyện, thị xã, các xã./.

NT (Theo www.chinhphu.vn)