5 năm qua, trên diện tích hơn 1,3ha tại xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai), ông Nguyễn Văn Lâm đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để phát triển trang trại tổng hợp. Mô hình kết hợp giữa vườn cây ăn quả với nuôi trồng thuỷ sản và chăn nuôi lợn mang lại hiệu quả tích cực.
Sản phẩm của trang trại được liên kết tiêu thụ bởi Công ty CP thương mại 5S Pro và các bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện Quốc Oai. Hoạt động được duy trì ổn định nhiều năm qua giúp ông Lâm thu về hàng chục tỷ đồng/năm. Không chỉ vậy, trang trại còn tạo công ăn, việc làm thường xuyên cho 11 lao động, với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
Hưởng ứng chủ trương chuyển đổi cơ cấu vật nuôi của chính quyền địa phương, hơn 5 năm trước, anh Nguyễn Phú Tiện (xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên) đã thuê khoán khu đất ven đê để phát triển trang trại chăn nuôi gia cầm. Sau thời gian giá cả thị trường biến động do dịch bệnh, anh Tiện nhiều lần trăn trở về việc chuyển đổi giống vật nuôi.
Qua một vài lần lên thăm trang trại tại huyện Ba Vì, năm 2019, anh Tiện quyết định đưa đà điểu về chăn nuôi thương phẩm thay cho gà, vịt. Ban đầu là vài chục con, đến nay tổng đàn đà điểu được chăn thả tại trang trại của gia đình anh Tiện đã lên tới hơn 300 con.
Mô hình dù mới đi vào hoạt động trong 3 năm những đã và đang mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình anh Tiện. Không chỉ vậy, hàng chục lao động tại trang trại cũng đang “sống khoẻ” với mức thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.
Đây chỉ là hai trong tổng số 1.701 trang trại đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội. Dù mức độ hiệu quả của các trang trại là khác nhau, tuy nhiên, theo đánh giá chung của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, việc phát triển kinh tế trang trại đã khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý. Từ đó, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững; tạo việc làm, tăng thu nhập; khuyến khích làm giàu đi đôi với xoá đói giảm nghèo.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, thực tế trong quá trình phát triển, các trang trại đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Hoạt động liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, hàng hoá bước đầu được hình thành và phát triển. Toàn TP hiện có khoảng 277 trang trại xây dựng được chuỗi liên kết, gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp.
Mặc dù vậy, đánh giá khách quan cho thấy, sự phát triển của các trang trại vẫn còn nhiều hạn chế. Số lượng trang trại ứng dụng công nghệ cao toàn phần hiện còn ít, đặc biệt là ứng dụng chuyển đổi số, xúc tiến thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, quản lý và điều hành. Trình độ năng lực của các chủ trang trại chưa cao, chưa chú trọng nhiều đến việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa nên số lượng chuỗi liên kết còn ít…
Bên cạnh thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, kinh tế trang trại còn góp phần quan trọng trong quá trình tích tụ ruộng đất, gắn liền với phân công lại lao động ở nông thôn, từng bước chuyển dịch lao động nông nghiệp sang làm các ngành nghề phi nông nghiệp. Từ đó, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá nông nghiệp và nông thôn.
Theo ông Chu Phú Mỹ, thời gian tới, ngành NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh phát triển các dạng hình kinh tế trang trại, gia trại theo chuỗi liên kết, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ nghiên cứu, xây dựng thêm các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào trang trại quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, có chất lượng tốt và sức cạnh tranh lớn./.
TA (Theo Báo KTĐT)