Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phát triển hoa cây cảnh thành ngành kinh tế mũi nhọn

Để tích cực triển khai Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, việc phát triển hoa cây cảnh là một trong những yếu tố thúc đẩy ngành nghề nông thôn phát triển, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.



Theo Sở Nông nghiệp & PTNT, Hà Nội đang tích cực triển khai Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, Thành phố xác định sẽ tăng diện tích hoa, cây cảnh từ 8.500ha - 9.000ha. Thời gian tới, mục tiêu của Hà Nội là quy hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các địa phương, trong đó có làng nghề hoa, cây cảnh; tổ chức lại sản xuất, kinh doanh; tăng cường xúc tiến thương mại gắn kết với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm.

Với thế mạnh có diện tích nông nghiệp và thị trường tiêu thụ rộng lớn, đồng thời là trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu của cả nước nên Hà Nội có lợi thế để phát triển hoa, cây cảnh một cách bài bản. Vì vậy, để thúc đẩy kinh tế nông thôn, Hà Nội có nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, trong đó có phát triển hoa, cây cảnh. Tính đến hết năm 2020, toàn thành phố có 7.960ha trồng hoa, cây cảnh, trong đó 70% diện tích được canh tác tập trung tại các quận, huyện như: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín. Nhiều mô hình trồng hoa, cây cảnh ứng dụng tiến bộ mới về giống, quy trình chăm sóc nên năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Giá trị sản xuất hoa, cây cảnh ở Hà Nội đạt trung bình từ 0,5 tỷ đồng - 1,5 tỷ đồng/ha/năm.

Ngoài ra, Hà Nội đã công nhận 11 làng nghề chuyên sản xuất hoa, cây cảnh. Trong đó nhiều làng nghề đang trở thành điểm du lịch trải nghiệm hấp dẫn và giải quyết việc làm cho hàng nghìn nông hộ. Tiêu biểu như: Làng nghề sinh vật cảnh ở thôn Cơ Giáo và thôn Xâm Xuyên (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín); làng nghề hoa, cây cảnh thôn Hạ Lôi và thôn Liễu Trì (xã Mê Linh, huyện Mê Linh; làng nghề hoa giấy Phù Đổng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm); làng nghề truyền thống hoa Tây Tựu (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm)…

Mặc dù vậy, nghề sản xuất hoa, cây cảnh của Hà Nội vẫn chưa khai thác hết thế mạnh, tiềm năng. Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, mặc dù từ Trung ương đến địa phương đều có chính sách hỗ trợ phát triển hoa, cây cảnh nhưng áp dụng vào thực tiễn còn nhiều bất cập.Việc quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh hoa, cây cảnh, để phát triển thành một ngành kinh tế sinh thái chưa được nhiều địa phương quan tâm, chú trọng thì chính sách về ứng dụng công nghệ cao cũng chưa được triển khai rộng rãi.

Vì vậy, để đưa hoa, cây cảnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thành phố Hà Nội đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT rà soát, tháo gỡ những nút thắt; bổ sung, sửa đổi, tạo đột phá về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy ngành nghề hoa, cây cảnh phát triển với tầm mức của một ngành kinh tế.

Đồng thời đề nghị các hội, hiệp hội ngành hoa, cây cảnh phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm định giá hoa, cây cảnh, gắn mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, thiết lập bản đồ số về hoa, cây cảnh để minh bạch thông tin và phục vụ công tác quản lý, giám sát. Thành phố cũng chỉ đạo các huyện, thị xã làm tốt công tác quy hoạch, phát triển hoa, cây cảnh thành một ngành kinh tế góp phần cải thiện môi trường nông thôn cũng như xây dựng đô thị tại địa phương./.

NT (Theo Chinhphu.vn)