Theo bà Hoàng Thị Nhiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội, Hà Nội có mặt nước nuôi trồng thủy sản là 30.840 ha (trong đó ao, hồ nhỏ là 6.706 ha; hồ chứa mặt nước lớn 4.327 ha; ruộng trũng là 19.807 ha). Bên cạnh đó còn có nhiều các sông như lớn như sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Tích, sông Bùi… chạy qua có thể cho người dân nuôi trồng, khai thác thủy sản. Đồng thời Hà Nội còn có nhiều hồ phân bố tại các quận, huyện, thị xã; các huyện ngoại thành có nhiều hồ nhỏ, có một số hồ có diện tích lớn như hồ Suối Hai (1.000 ha), hồ Đồng Mô (1.400 ha), hồ Quan Sơn (782 ha),... Các hồ này có giá trị điều tiết nước sản xuất nông nghiệp và bảo tồn giá trị đa dạng sinh học cao.
Về hồ nội thành, Hà Nội hiện có 125 hồ lớn nhỏ có diện tích tương đối khác nhau. Phần lớn là các hồ nhỏ có diện tích nhỏ hơn 5 ha, các hồ cỡ vừa diện tích 5 - 10 ha, tiếp theo là hồ cỡ trung có diện tích 10 - 50 ha và có 1 hồ cỡ lớn diện tích 50 - 100 ha (hồ Linh Đàm 74 ha), 1 hồ rất lớn là hồ Tây 500 ha.
Bên cạnh đó, để phát huy lợi thế, tận dụng nguồn lợi thủy sản, những năm qua, Hà Nội đã tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản và đã hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn tại các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Chương Mỹ, Thường Tín, Ba Vì.... Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2023 đạt 24,5 nghìn ha (chủ yếu là diện tích nuôi cá), tăng 1,8% so với năm 2022; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 127,4 nghìn tấn, tăng 3,2% so với năm 2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 58,8 nghìn tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên các loài thủy sản sống trong tự nhiên trên các hệ thống sông, hồ, kênh mương, ruộng trũng lại đang bị suy giảm nghiêm trọng cả về số lượng và sản lượng do các hoạt động khai thác, đánh bắt thuỷ sản bằng kích điện, sử dụng lưới kích cỡ không đúng quy định... Tình trạng môi trường nước ao, hồ, sông, kênh mương bị ô nhiễm do các loại nước thải; các loại thuốc, hóa chất dùng trong nông nghiệp gây ra đã tác động xấu tới sự sinh sản, phát triển của các loài thủy sản. Trong những năm qua, sản lượng thủy sản khai thác tại Hà Nội có xu hướng giảm dần qua các năm.
Để thúc đẩy việc nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả, vừa qua, Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y đã thực hiện chuyển giao tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, gồm 17 cá thể sống (trong đó có 4 cá thể cá Hô có tổng khối lượng 17 kg; 7 cá thể cá Vồ Cờ có tổng khối lượng 27,1 kg; 6 cá thể cá Rồng khổng lồ có tổng khối lượng 202 kg); đối với 53 cá thể chết cũng đã chuyển giao cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thực hiện làm tiêu bản trưng bày, nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục theo quy định hiện hành.
Theo bà Hoàng Thị Nhiên, dự kiến kết quả thả giống tái tạo nguồn lợi năm 2024 của Hà Nội có 12 nghìn con Cá lăng chấm, 15 nghìn con cá trôi ta, 13 nghìn con cá chiên sông, 13 nghìn con cá ngạnh tại các: sông Hồng, sông Đà, sông Tích, sông Bùi, sông Đáy, sông Đuống, suối Yến.
Ngoài ra, Chi cục cũng đã xây dựng dự thảo Kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thành phố Hà Nội đến năm 2030, hiện đang trình UBND Thành phố xem xét phê duyệt; đồng thời thực hiện tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ loài động vật hoang dã quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng (rùa Hoàn Kiếm), tuyên truyền ngăn chặn các hành vi bị cấm trong lĩnh vực thủy sản thông qua hình thức tập huấn, tờ rơi, pa nô.
Với những kết quả đạt được, Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y mong muốn Bộ Nông nghiệp & PTNT, Cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư tiếp tục quan tâm rà soát, bổ sung và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật về điều tra nguồn lợi thủy sản là căn cứ để các tỉnh thực hiện nhiệm vụ điều tra nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.
Đồng thời tiếp tục tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thả cá phóng sinh trên địa bàn, triển khai những mô hình/dự án về bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản có sự tham gia của cộng đồng./.
TA (Theo www.chinhphu.vn)