Ông Nguyễn Trí Thủy (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất) cho biết, nghề làm chè lam của địa phương có từ lâu đời. Năm 2004, nghề làm chè lam Thạch Xá được công nhận làng nghề truyền thống. Trải qua thăng trầm, đến nay, nghề làm chè lam ngày càng phát triển, được công nhận là sản phẩm OCOP. Với chất lượng bảo đảm, chè lam Thạch Xá không chỉ tiêu thụ mạnh tại lễ hội đình, chùa trong, ngoài huyện mà còn xuất hiện trong hệ thống siêu thị như: VinMart, MM Mega Market... Mỗi năm, làng nghề cung cấp cho thị trường hơn 200 tấn chè lam, doanh thu đạt hơn 6 tỷ đồng/năm.
Còn theo ông Phí Đình Tuấn (xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất) hiện nay, nhiều mặt hàng như tủ chè gỗ trắc, tượng Phật Di Lặc gỗ trắc, sạp gỗ trắc… của cơ sở cũng đã được công nhận OCOP. Sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trên địa bàn thành phố mà còn thu hút khách hàng từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Đánh giá về hiệu quả phát triển làng nghề gắn với xây dựng thương hiệu OCOP, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, trên địa bàn có 50 làng có nghề với khoảng 14.000 hộ sản xuất, thu hút hơn 37.000 lao động nông thôn. Trong đó, 10 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống. Tiêu biểu là các làng nghề: Cơ kim khí Phùng Xá, xã Phùng Xá; đồ mộc - may ở xã Hữu Bằng; mộc Chàng Sơn, xã Chàng Sơn; mộc - xây dựng ở xã Canh Nậu và Dị Nậu; làng nghề bánh chè lam thôn Thạch, xã Thạch Xá… Các làng nghề phát triển đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn huyện và các vùng lân cận với mức thu nhập 250.000-300.000 đồng/ người/ngày.
“Những năm qua, huyện đã hỗ trợ các chủ thể tại các làng nghề về thiết kế logo, mẫu mã, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm... để tham gia Chương trình OCOP. Đến nay, trong 122 sản phẩm của huyện Thạch Thất được đánh giá OCOP có 104 sản phẩm đạt 4 sao, 18 sản phẩm đạt 3 sao. Thực tế cho thấy, sự phát triển của các ngành nghề truyền thống trên địa bàn không những thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn góp phần duy trì, bảo tồn di sản văn hóa”, ông Hoàng Chí Lượng cho biết thêm.
Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả rõ nét, làng nghề của Thạch Thất còn gặp khó khăn do thiếu mặt bằng sản xuất; một số làng nghề còn tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, bụi, không khí, ảnh hưởng đến đời sống dân cư... Để tháo gỡ khó khăn và đưa làng nghề của Thạch Thất phát triển lên tầm cao mới, ông Nguyễn Trung Đức (hộ sản xuất gỗ ở xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất) kiến nghị, các ngành chức năng cần hỗ trợ các cơ sở sản xuất ở làng nghề về vốn để mở rộng quy mô hoạt động; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tham gia các hội chợ trong và ngoài thành phố để quảng bá giới thiệu sản phẩm...
Về lĩnh vực này, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan, huyện tiếp tục có nhiều giải pháp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP; tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện có cơ chế hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề với khả năng sáng tạo sản phẩm mới, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt để nâng cao giá trị sản phẩm kết hợp phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tại các làng nghề./.
TX (Theo Báo HNM)